Trước thực trạng này, nhiều hộ dân nơi đây đã nghiên cứu, tìm tòi giống cây trồng mới phù hợp với thổ nhưỡng địa phương, vừa có giá trị kinh tế cao để thay thế cây mía. Tại vùng đất trũng, phèn ở huyện Phụng Hiệp, nhiều hộ dân đã mạnh dạn từ bỏ cây mía để trồng cây khóm (dứa) MD2 (còn gọi là khóm Mỹ). Hiện nay, người dân nơi đây rất phấn khởi do giống cây trồng mới này đã mang lại thu nhập cao gấp nhiều lần so với cây mía trước đây.
Sinh sống ở vùng đất trũng, phèn, bao đời nay gia đình ông Trần Thanh Vẹn ở ấp Phương Thạnh, xã Phương Bình chỉ biết gắn bó với cây mía. Tuy nhiên càng về sau, giá mía càng bấp bênh khiến gia đình ông rơi vào cảnh khốn đốn ở mỗi vụ mùa. Kinh tế gia đình ông Vẹn chỉ thật sự phát triển từ khi ông rời bỏ cây mía để gắn bó với cây khóm MD2.
“Trồng mía sau khi trừ chi phí có năm thu nhập được khoảng 10-20 triệu, có năm chỉ hòa vốn thậm chí lỗ vốn. Từ khi gia đình chuyển qua trồng cây khóm cho thu nhập cao hơn, lời khoảng 60-70 triệu/ha/năm. Nếu kết hợp bán thêm cây giống thì thu nhập cũng đạt trên 100 triệu đồng/ha/năm”, ông Vẹn chia sẻ.
Khóm MD2 là loại khóm sinh trưởng khỏe, chịu hạn tốt. Do có vỏ mỏng, nhiều nước, thịt giòn, màu vàng tươi, ít sơ, hương vị thơm ngon nên trái khóm này sử dụng rất phù hợp cả cho ăn tươi và chế biến.
Điều làm bà con trồng khóm ở Phụng Hiệp phấn khởi là cây khóm MD2 không chỉ thích hợp với vùng đất trũng, phèn nơi đây nên cho năng suất cao, mà khi trồng loại cây này bà con còn được Công ty CP Chế biến thực phẩm xuất khẩu Miền Tây (WestFood) cung ứng giống, phân, thuốc bảo vệ thực vật, hướng dẫn kỹ thuật và ký kết hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm trái khi thu hoạch với giá cả ổn định, bên cạnh đó còn thu mua thêm cả chồi khóm giống.
“Nhiều người trong ấp thấy trồng khóm có hiệu quả nên cùng nhau đầu tư chuyển hướng. Thuận lợi ở chỗ người trồng được doanh nghiệp hỗ trợ về kỹ thuật và hỗ trợ bán con giống bằng hình thức trả chậm. Khi thu thu hoạch trái đến đâu, doanh nghiệp bao tiêu đến đó. Chồi giống cũng được thu mua với giá 2.000 đồng/chồi”, ông Lâm Văn Lam ở ấp Phương Thạnh, xã Phương Bình cho biết.
Do mang lại hiệu quả kinh tế cao nên hơn 4 năm qua, bà con ở xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp đã chuyển đổi nhiều diện tích đất trồng mía kém hiệu quả sang trồng cây khóm MD2. Từ 4 ha trồng thử nghiệm ban đầu đến nay diện tích khóm MD2 ở địa phương này đã phát triển lên hơn 120ha với hơn 40 thành viên tham gia.
Với năng suất trái từ 70-90 tấn/ha và được bao tiêu với giá 5.700 đồng/kg, cùng với tiền bán chồi giống, sau khi trừ hết các khoản chi phí như cây giống, phân, thuốc bảo vệ thực vật, màng phủ nông nghiệp, làm đất, nhân công lao động, người trồng khóm MD2 nơi đây còn lãi từ hơn 160 triệu đồng đến hơn 250 triệu đồng/ha, cao gấp nhiều lần so với trồng mía.
Theo bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Chủ tịch HĐQT- Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm xuất khẩu Miền Tây (WestFood), hiện nay, công ty đã quyết định chọn Phụng Hiệp là vùng nguyên liệu khóm MD2 chiến lược để cung cấp trái cho nhà máy chế biến của công ty, bởi nơi đây đất đai phù hợp với loại cây trồng này. Chính vì vậy, thời gian tới, bên cạnh việc mở rộng diện tích trồng khóm, công ty còn xây dựng thêm nhà máy chế biến nông sản tại Hậu Giang.
“Bà con nông dân đang thấy hài lòng từ hiệu của của việc trồng cây khóm MD2. Doanh nghiệp cam kết bao tiêu sản phẩm theo giá đã ký kết với bà con nông dân, vì vậy bà con yên tâm trong việc trồng khóm và có thu nhập ổn định. Kế hoạch của WestFood từ nay đến năm 2025 sẽ phát triển 2.000ha khóm trồng tại Phụng Hiệp. Đồng thời, doanh nghiệp cũng đã chuẩn bị khu đất 7ha xây dựng nhà máy chế biến mới có công suất gấp 4 lần so với nhà máy hiện tại ở Cần Thơ”, bà Nguyệt nói.
Nhờ chịu khó tìm tòi, học hỏi, những nông dân ở xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang đã tìm được cây khóm MD2 thích hợp với vùng đất trũng, phèn để thay thế cho cây mía bấp bênh. Trong tương lai gần, hàng trăm hộ dân nơi đây sẽ có thu nhập cao, cuộc sống khấm khá khi vùng nguyên liệu trồng loại cây mới này mở rộng lên hàng ngàn ha. Hơn thế nữa, nếu nhà máy chế biến nông sản có công suất khoảng 50.000 tấn/năm được xây dựng và đi vào hoạt động, sẽ tạo công ăn việc làm cho hơn 1.200 lao động ở địa phương./.