Ken Quach – Tổng giám đốc Công ty TNHH Minh Hào đưa tay gạt những giọt mồ hôi sau khi vừa chuyển chiếc máy nén khí lên xe. Ông cười mãn nguyện bởi đây là thiết bị DN này đang cần để sản xuất các sản phẩm bình xịt Romano, trong chiến lược nâng gấp 4 lần năng lực sản xuất hiện có của DN. “Chúng tôi tự tin về triển vọng của mình”, Ken Quach nói trong lúc lái xe về Long An, nơi mà thiết bị nén khí này sẽ “đắc dụng” với DN.
Hoạt động từ năm 1997, Công ty TNHH Minh Hào đã tạo được thế đứng vững chắc trong lĩnh vực gia công sản phẩm mỹ phẩm, hương liệu, mùi hương và nhiều sản phẩm công nghiệp phục vụ cho nhu cầu của xã hội. Liên doanh với Malaysia này có được thế mạnh của “đại bản doanh” từ nước ngoài, là đối tác quan trọng của nhiều hãng mỹ phẩm hàng đầu tại Việt Nam. Phần đối tác trong nước, nhiều nguồn lực về vốn và nhân lực, kinh nghiệm thị trường đang tạo cơ hội để Minh Hào có thể “đi trên hai chân”: gia công cho thương hiệu lớn và xây dựng thương hiệu của riêng mình.
Hình ảnh sản xuất tại Công ty Minh Hào
Nhưng, “chúng tôi đã phải từ chối khá nhiều khách hàng mới… Nhận hợp đồng mà không làm nổi thì cũng chết”, ông Nguyễn Đức Khiêm, Phó tổng giám đốc Công ty Minh Hào than thở. Theo lãnh đạo DN này, trong thời điểm kinh tế khó khăn, hàng tồn kho nhiều, sản xuất bị co hẹp thì Minh Hào lại là một trong số ít những DN có rất nhiều đơn đặt hàng. Tổng số vốn đầu tư cho tới thời điểm hiện tại khoảng 27 tỷ đồng, Minh Hào có 6 dây chuyền gia công cho các hãng mỹ phẩm lớn trên thế giới với công suất của mỗi dây chuyền là 5000 sản phẩm/ngày, trên mặt bằng nhà xưởng hơn 5000 m2 và đội ngũ cán bộ công nhân viên lên tới gần 60 lao động, mức thu nhập ổn định trên 6 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, với công suất như hiện tại, Minh Hào cũng chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu của thị trường về các sản phẩm loại này.
Muốn đáp ứng tốt hơn nữa, đòi hỏi công ty phải có sự đầu tư đồng bộ từ dây chuyền, máy móc cũng như đội ngũ nhân lực có tay nghề cao và nhất là phải có nguồn vốn dồi dào… Triển vọng kinh doanh tốt tại Minh Hào đang hấp dẫn các nhà đầu tư. Công ty cổ phần Đầu tư F.I.T đã nhìn thấy cơ hội ở đây. “Đối tác trong liên doanh này là một trong những nhà sản xuất, gia công mỹ phẩm lớn nhất tại Malaysia và cũng có tham vọng sẽ đưa Minh Hào trở thành một công ty sản xuất gia công hàng đầu tại Việt Nam trong 5 năm tới. Hiện tại, Minh Hào đã ký được một số hợp đồng sản xuất lớn và dài hạn cho các nhãn hiệu nổi tiếng như Romano, Enchanteur, Double Rich… đem lại dòng tiền khá ổn định. Chúng tôi kỳ vọng Minh Hào sẽ là một trong những trụ cột vững chắc, đóng góp vào cơ cấu thu nhập của F.I.T trong các năm tới đây”, bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư F.I.T nói về triển vọng tại DN này.
Đi vào hoạt động từ năm 2007, F.I.T mới đầu là DN hoạt động trong lĩnh vực đầu tư và tư vấn đầu tư. Tuy nhiên, hướng phát triển trong tương lai của F.I.T là hình thành một công ty Holding (công ty có chức năng nắm giữ cổ phần của các công ty khác chứ không trực tiếp tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh). Có nghĩa rằng, F.I.T đang muốn các nguồn vốn đầu tư theo “giá trị ảo” của mình trở nên hữu hình hơn, gắn với các thực thể kinh doanh.
“Với tầm nhìn chiến lược, F.I.T đã mở rộng đầu tư nắm cổ phần chi phối ngay từ đầu vào các DN tốt, có quy mô vừa và nhỏ, hoạt động trong các ngành mà chúng tôi am hiểu sâu sắc như: phân phối, thực phẩm đồ uống, hàng hóa tiêu dùng, hóa chất và mỹ phẩm… với thời gian nắm giữ dài hạn. Bởi vì, trong quá trình đầu tư, F.I.T sẽ đóng vai trò hỗ trợ và tư vấn cho các DN được đầu tư về quản trị, phân tích tài chính, vốn và tìm kiếm các đối tác trong hoạt động kinh doanh. Chúng tôi nắm rất rõ những DN là đối tác của mình”, ông Phan Trung Phương, Chủ tịch HĐQT F.I.T chia sẻ.
Theo chiến lược này, F.I.T đã tăng vốn đầu tư vào Minh Hào lên tới 49% cổ phần và tương lai sẽ còn tăng nữa. Về phía Minh Hào khi có thêm một phần nguồn vốn đáng kể thì cũng đang trong quá trình mở rộng sản xuất, lắp đặt thêm các dây chuyền máy móc sản xuất, gia công để tăng năng suất nhằm phục vụ khách hàng được tốt hơn nữa. Có thể nói đây là sự bắt tay giữa nhà sản xuất và công ty đầu tư tài chính mà kết quả là dòng “vốn ảo” dường như đang muốn “lộ diện”. Điều có thể nhìn thấy ở nhiều DN đầu tư tài chính trong giai đoạn hiện nay.
Theo Đức Hiền – Thời báo Ngân hàng