Chỉ còn 1 quý cuối cùng chạy đua cùng hơn 50 tỉ đồng. Liệu F.I.T có giúp TSC giải được bài toán khó này?
Mặc dù đã là thời điểm cuối quý III, nhưng Công ty Cổ phần Vật tư Kỹ thuật Nông nghiệp Cần Thơ (TSC) vẫn quyết định điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2014 tăng gấp gần 4 lần so với kế hoạch được tính toán từ đầu năm. Cũng cần nhắc lại rằng tính đến hết quý II, lợi nhuận sau thuế của TSC chỉ mới đạt hơn 2 tỉ đồng, vốn đã thấp hơn rất nhiều so với con số kế hoạch.
Không những vậy, Công ty còn thống nhất phương án tăng vốn điều lệ tối thiểu 1.000 tỉ đồng để phát triển kinh doanh đa ngành từ mức vốn điều lệ hiện nay gần 160 tỉ đồng. Nhiều nhà đầu tư tỏ ra nghi ngờ về tính khả thi của kế hoạch mới này, nhưng hẳn TSC đã nhìn thấy một vài điểm sáng trong chiến lược hoạt động kinh doanh của mình.
Khi phân bón gặp khó
Nhìn lại dữ liệu trong quá khứ, có thể thấy từ năm 2007-2011 là giai đoạn rất thành công của TSC với suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROAE) đạt 28%. Ấn tượng nhất là năm 2007, chỉ với 83 tỉ đồng vốn điều lệ nhưng TSC đã kiếm được đến 70 tỉ đồng. Trong đó, doanh thu và lợi nhuận của Công ty chủ yếu đến từ ngành kinh doanh phân bón (trên 80%), theo bản cáo bạch niêm yết năm 2007.
Sở dĩ Công ty có thể thu được lợi nhuận lớn trong giai đoạn này là do có lợi thế kinh doanh phân bón hơn 30 năm với nhiều đại lý ở khắp các tỉnh thành, đặc biệt là vùng Nam Bộ. Quan trọng hơn, giai đoạn này Việt Nam còn phải nhập khẩu phân bón khá nhiều nên cơ hội kinh doanh rất lớn. Tại thời điểm đó, TSC là 1 trong 5 nhà nhập khẩu phân bón lớn nhất Việt Nam.
Thế nhưng, kể từ năm 2012 trở đi, do ảnh hưởng bởi tình hình chung, TSC đã bắt đầu gặp khó khăn với ngành nghề kinh doanh chính này. Giá phân bón thế giới liên tục giảm. Trong nước, nguồn cung cũng đã bắt đầu vượt cầu nên giá phân bón giảm mạnh. Do đó, phân bón nhập khẩu của Công ty càng thêm khó cạnh tranh với giá bán cao hơn. Không những vậy, tình trạng làm giả Kali CIS nhập khẩu mang thương hiệu TSC xảy ra phổ biến đã ảnh hưởng không ít đến uy tín của Công ty.
Việc giá phân bón giảm mạnh đã khiến cho lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh hợp nhất cả năm 2012 của Công ty âm 54 tỉ đồng và bị rơi vào diện cảnh báo của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM từ đầu năm 2013.
Mặc dù liên tục cắt giảm chi phí và đến cuối quý IV/2012, Công ty đã bắt đầu mạnh tay hơn với chủ trương cắt giảm mạnh hoạt động kinh doanh phân bón để thoát khỏi tình trạng chi phí cao hơn doanh thu. Đến quý II/2013, TSC đã phải “dừng việc nhập khẩu phân bón” do có quá nhiều rủi ro, theo giải trình gửi Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM. Vì vậy, doanh thu năm 2013 giảm mạnh hơn 70%, nhưng bù lại Công ty ít lỗ hơn năm trước đến 49 tỉ đồng.
Đồng thời với việc tạm ngưng kinh doanh phân bón là việc thanh lý tài sản. Tổng giá trị chuyển nhượng 3 tài sản theo kế hoạch năm 2013 khoảng 73 tỉ đồng. Trong đó, đáng chú ý nhất là việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và toàn bộ tài sản tổng kho TSC tại xã Long Định, tỉnh Long An, đạt gần 57 tỉ đồng.
Ngoài tài sản liên quan đến kinh doanh phân bón, TSC còn bán các khu đất trồng lúa và cây lâu năm tại Cần Thơ, Hậu Giang. Trong 2 quý đầu năm 2014, Công ty tiếp tục thanh lý tài sản, giúp lợi nhuận tăng đáng kể dù hoạt động kinh doanh phân bón và gạo vẫn thua lỗ.
Chế biến thực phẩm lên ngôi
Thực phẩm chính là mảng kinh doanh đem lại lợi nhuận lớn nhất cho TSC trong 2 năm gần đây, hiện đang do công ty con của TSC là Công ty Cổ phần Chế biến Thực phẩm Xuất khẩu Miền Tây (Westfood) đảm nhiệm. Sản phẩm chính của Westfood là cung cấp rau quả đóng hộp và đông lạnh, đã có mặt tại các thị trường chất lượng cao như châu Âu, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc…
Báo cáo tài chính riêng của công ty mẹ và báo cáo hợp nhất của TSC trong 2 năm qua cho thấy Westfood đang là chỗ dựa vững chắc của TSC với mức sinh lời ấn tượng. Cụ thể, với số vốn chưa đến 20 tỉ đồng, nhưng lợi nhuận thu được của công ty này trong 2 năm 2012, 2013 lần lượt là 18 tỉ đồng và 22,5 tỉ đồng.
Trong khi đó, Nông dược TSC, một công ty con khác của TSC, lại chủ yếu kinh doanh phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Nhưng giống như công ty mẹ, Nông dược TSC cũng kinh doanh thua lỗ khi ngành nghề chủ yếu vẫn xoay quanh phân bón và các nông dược. Với khoản lỗ tương ứng 3,4 tỉ đồng và 9,7 tỉ đồng trong 2 năm 2012 và 2013, Nông dược TSC đã góp thêm phần khó khăn cho TSC trong thời gian qua.
Nhận biết được tiềm năng thực sự nằm ở Westfood, TSC đang có những kế hoạch lớn để mở rộng công ty này. Công ty dự kiến sẽ tăng vốn điều lệ cho Westfood lên đến 500 tỉ đồng và mở rộng thông qua M&A các doanh nghiệp cùng ngành cũng như đầu tư thêm nhà xưởng, máy móc, kênh phân phối… nhằm nắm bắt cơ hội kinh doanh và bắt kịp tốc độ phát triển các đơn hàng.
Mới đây, đại diện 2 tập đoàn lớn của Đức (Distri Plus) và Pháp (Roger Descours) vừa có chuyến thăm và làm việc với Westfood, đề nghị hợp tác tăng thêm sản lượng xuất khẩu. Việc Westfood tăng quy mô để đáp ứng nhu cầu thị trường nước ngoài sẽ giúp công ty này gia tăng đáng kể doanh thu và lợi nhuận. Và với hơn 95% cổ phần tại Westfood, TSC dự tính sẽ thu về một khoản lợi nhuận đáng kể.
Những quyết định mang tính chiến lược của TSC dường như có sự ảnh hưởng không nhỏ từ F.I.T, khi công ty này chính thức trở thành công ty mẹ của TSC kể từ tháng 8.2014. Ngay khi có tin F.I.T trở thành cổ đông chiến lược, một sức sống mới đã bật dậy ở công ty này, từ việc giá cổ phiếu tăng liên tục trong vòng vài tháng gần đây, đến việc TSC mạnh dạn mở rộng sang đa ngành, điển hình như mảng hạt giống và dịch vụ du lịch, khách sạn.
Không thể phủ nhận TSC vẫn phải đối diện với một vài khó khăn trong mảng kinh doanh chính và công ty con Nông dược TSC vẫn chưa tìm được con đường kinh doanh hợp lý. Nhưng kế hoạch lớn về việc tăng vốn điều lệ lên tối thiểu 1.000 tỉ đồng và bước nhảy vọt của chỉ tiêu lợi nhuận ngay trong năm nay là điều mà TSC đang thuyết phục nhà đầu tư bằng sự tự tin rằng TSC đang ngày một tốt hơn.
Theo Nhịp cầu Đầu tư