“Bao năm qua, chúng tôi chỉ biết hài lòng với những gì mình có, nên Westfood cứ hoạt động đều đều. F.I.T vào, mang theo luồng gió mới khiến chúng tôi khao khát muốn chinh phục thị trường, muốn phát triển mạnh mẽ hơn”, bà Lê Kim Loan, Giám đốc Westfood nói về sự thay đổi của Westfood – công ty con của TSC kể từ khi CTCP Vật tư Kỹ thuật Nông nghiệp Cần Thơ (TSC) có sự tham gia của CTCP Đầu tư F.I.T.
Một năm nhìn lại kể từ khi F.I.T bắt tay tái cấu trúc, TSC đã có sự thay đổi toàn diện, từ không khí làm việc đến quy mô hoạt động và hiệu quả kinh tế.
Nỗ lực tăng trưởng từ nội tại DN
Năm 2015, TSC đặt kế hoạch doanh thu 1.010 tỷ đồng, lãi sau thuế 117,216 tỷ đồng. So với năm 2014, đây là mục tiêu đầy thách thức, bởi TSC sẽ phải nỗ lực tăng lợi nhuận lên gần gấp đôi, trong khi, kế hoạch tăng vốn mới chỉ bắt đầu thực hiện vào cuối quý I/2015. Phát biểu tại ĐHCĐ, ông Nguyễn Văn Sang, Chủ tịch HĐQT TSC cho rằng, đây là kế hoạch tăng trưởng hoàn toàn dựa vào nội tại của DN, mà chưa có các yếu tố tăng trưởng nhờ kinh doanh khác.
Cụ thể, với lĩnh vực thuốc bảo vệ thực vật (Công ty TSP), năm 2015, TSC đặt mục tiêu tăng trưởng gần 100% doanh thu. Mục tiêu này, ông Sang cho rằng, hoàn toàn khả thi, vì quy mô thị trường lĩnh vực này quá lớn so với doanh thu hiện tại của Công ty. Tuy nhiên, từ chỗ thua lỗ ở mảng này, cổ đông TSC chuyển sang giai đoạn sẽ được hưởng mức tăng trưởng lợi nhuận kép, không chỉ nhờ tăng quy mô hoạt động mà còn cả tăng tỷ lệ lợi nhuận trên doanh thu. “Chúng tôi đang nghiên cứu để chế biến sản phẩm và mở rộng sang lĩnh vực hóa phẩm sinh học. Việc này có thể giúp tiết kiệm khoảng 15% chi phí nguyên liệu, từ đó làm tăng lợi ích cho cổ đông”, ông Sang nói.
Đối với lĩnh vực chế biến thực phẩm xuất khẩu, đây thực sự là một trong những bí quyết tạo nên sự bứt phá mạnh mẽ của TSC. Tại nhà máy Westfood, dù đã đưa thêm một kho lạnh công suất lớn vào hoạt động, nhưng hệ thống kho xưởng, dây chuyền chế biến rau củ quả đông lạnh, đóng hộp vẫn trong tình trạng quá tải.
“Hiện chúng tôi đã có đơn đặt hàng bán cho 18 tháng tới. Westfood đang gấp rút lắp đặt dây chuyền hoạt động mới, dự kiến đến tháng 6 sẽ đưa vào vận hành, nâng gấp đôi công suất hoạt động. Như vậy, năm nay, Westfood có thể tăng 50% doanh thu so với năm 2014”, ông Sang nói.
Riêng đối với mảng giống cây trồng, hiện TSC đã đàm phán được với đối tác Advanta để phân phối 3 nhãn hàng giống mới. Dù mới xây dựng chiến lược phát triển sâu vào lĩnh vực này từ năm 2014, nhưng trong năm nay, TSC cũng đặt kế hoạch thu 120 tỷ đồng từ sản xuất – phân phối hạt giống nông nghiệp.
Bên cạnh 3 mũi nhọn hoạt động trên, một mảng truyền thống của TSC là thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn được Ban lãnh đạo Công ty chú trọng. “Năm 2014, chúng tôi đã có nhiều thương vụ thương mại thành công. Luôn có nhiều cơ hội cho DN, quan trọng là phải biết phân tích tình hình để đưa ra quyết định kinh doanh hợp lý. Bây giờ không còn là thời của may rủi nữa. TSC không được phép rủi ro. Chúng tôi kinh doanh không chỉ dựa trên phân tích thị trường trong nước, mà phải nhìn ra các thị trường quốc tế. Tận dụng cơ hội tốt, chúng ta sẽ trở thành một ông lớn thực sự, như cách Vingroup đang đi trong lĩnh vực của họ”, ông Sang chia sẻ về tham vọng phát triển của TSC trong giai đoạn tới.
Động lực tăng trưởng từ M&A
“Nếu có tác động của M&A, doanh thu của TSC có thể đạt tới hàng nghìn tỷ đồng mỗi mảng. Hiện Công ty đang để ý đến một vài thương vụ M&A khá hời cho TSC, nhưng chưa thể nói được, chúng tôi chờ tăng vốn để có thể thực hiện được”, ông Sang nói về khả năng tăng trưởng của TSC giai đoạn tới.
Sự thận trọng của TSC đến từ việc chỉ trong thời gian ngắn, công ty này đã lỡ hàng loạt cơ hội mua một số DN hoạt động trong ngành để phục vụ kế hoạch M&A cho các công ty con, với một lý do hết sức đơn giản: Bị đối tác tranh mua với giá cao ngất ngưởng! Dù thất bại trong một vài kế hoạch M&A, nhưng điều này cũng chính là lý do khiến TSC tự tin hơn với ngành nghề kinh doanh các công ty con hiện có, bởi đó chính là dấu hiệu rõ ràng nhất về sức hấp dẫn các ngành nghề kinh doanh mà hệ thống công ty con TSC đang hoạt động.
Theo ông Sang, chiến lược phát triển của F.I.T cũng như của TSC là đầu tư vào lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh, và nông nghiệp là mảng đáp ứng được yêu cầu đó.
“TSC đã có lợi thế đi trước, nên phải đẩy mạnh hoạt động hơn nữa. Trong năm tới, Westfood sẽ đẩy mạnh phát triển vùng nguyên liệu tăng thêm 4 lần để đảm bảo chủ động hơn cho kế hoạch tăng trưởng mạnh giai đoạn tới”, ông Sang nói.
Với mảng giống, TSC vẫn đang trong giai đoạn đàm phán với một số đối tác lớn trên thế giới để mở rộng sản phẩm và dự kiến sẽ sáp nhập với DN khác để tăng quy mô, hiệu quả hoạt động. Westfood, TSP đều có thể sẽ bứt phá mạnh nhờ hoạt động M&A với các DN khác. Chưa kể, kế hoạch nội địa hóa sản phẩm của Westfood, mà theo TSC, kỳ vọng tới quý II năm sau có thể ra mắt thị trường, TSC đang tăng tốc để tiếp tục bứt phá.
Biến một DN tốt trở nên tốt hơn đã khó, biến một DN đang thua lỗ trở thành một DN lớn và rất tốt là điều còn khó hơn rất nhiều. F.I.T đã làm được điều đó với TSC. Hơn 117 tỷ đồng lợi nhuận là kế hoạch tăng trưởng lớn của TSC, nhưng có thể, kỷ lục vượt kế hoạch lợi nhuận năm 2014 sẽ được lặp lại, nếu TSC hoàn thành tốt những dự định M&A của mình.
Thanh Trà
ĐTCK