Việc cho phép nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) được mua cổ phần không hạn chế tại DN VN theo Luật DN mới đang gây nhiều ý kiến trái chiều nhau…
TUY NHIÊN, ÔNG NGUYỄN ĐÌNH CUNG –VIỆN TRƯỞNG VIỆN QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG LẠI CHO RẰNG CẦN PHẢI TẠO ĐIỀU KIỆN TỐT NHẤT CHO NHÀ ĐẦU TƯ ĐỂ HÚT VỐN NGOẠI, ĐẨY NHANH TIẾN TRÌNH cổ phần hóa VÀO GIAI ĐOẠN TỚI…
VẬY THEO ÔNG VỚI CHÍNH SÁCH NỚI ROOM HIỆN NAY, TTCK VN ĐÃ ĐỦ MẠNH?
“Nới room” có lẽ là hai từ được nhà ĐTNN và cả trong nước mong mỏi từ nhiều năm nay. Việc mở room cho các nhà đầu tư ngoại chính là một trong những chính sách thu hút mạnh mẽ hơn dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài đầu tư vào thị trường chứng khoán (TTCK). Đây cũng là định hướng được Chính phủ theo đuổi suốt thời gian qua, đồng thời phù hợp với các cam kết quốc tế (WTO).
Hiện nay, VN có 91 triệu dân, nhưng mức vốn hóa của TTCK chỉ khoảng 46 tỷ USD, tương đương 25% GDP. Trong khi đó, Philippines, với 99 triệu dân, vốn hóa của thị trường chứng khoán khoảng 184 tỷ USD, tương đương 65% GDP; Thái Lan, với 69 triệu dân, vốn hóa của TTCK khoảng 418 tỷ USD, tương đương 112% GDP; Singapore với 5 triệu dân, mức vốn hóa của TTCK khoảng 415 tỷ USD…
Với quy mô còn khiêm tốn như trên, TTCK hiện tại của VN sẽ không đủ mạnh để hỗ trợ quá trình CPH. Tổng giá trị các DN nhà nước (DNNN) sẽ được CPH trong 3 năm tới ước tính khoảng 25 tỷ USD.
Như vậy, Chính phủ ban hành Nghị định 60/2015, không chỉ có tác động tích cực đến sự phát triển của TTCK, mà còn thúc đẩy quá trình CPH mà Chính phủ đang quyết liệt triển khai. Khi Nghị định 60/2015 có hiệu lực, thông qua cơ chế nới room, tôi hy vọng thời gian tới nhà ĐTNN sẽ tăng cường các hoạt động đầu tư vào TTCK VN.
Nói như ông, việc hút vốn của nhà đầu tư sẽ tác động trực tiếp lên tiến trình cổ phần hóa?
Đúng vậy, nới room là câu chuyện được thị trường, giới đầu tư trong và ngoài nước chờ đợi từ nhiều năm nay. Việc Chính phủ vừa cho phép nới room sẽ có tác động tích cực đến TTCK cả về trước mắt và dài hạn. Đồng thời việc nới room cũng nhắm tới mục tiêu đây sẽ là thị trường vốn hỗ trợ mạnh cho chương trình CPH khu vực DNNN.
Một nội dung quan trọng được nhiều nhà đầu tư quan tâm là tỷ lệ nới room (tỷ lệ sở hữu) cho nhà ĐTNN tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam đối với hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực đều không giới hạn và có thể lên tới 100.
Thưa ông, giới đầu tư đang quan tâm là tỷ lệ nới room đối với từng ngành, lĩnh vực cụ thể ra sao bởi có nhiều ý kiến cho rằng cổ phiếu tốt hiện nay đã kín room?
Với những lĩnh vực mà pháp luật chuyên ngành có quy định về tỷ lệ sở hữu tối đa áp dụng đối với nhà ĐTNN, thì áp dụng theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Những ngành, lĩnh vực mà Việt Nam cam kết mở cửa khi gia WTO, tỷ lệ sở hữu áp dụng đối với nhà ĐTNN tuân thủ theo nội dung cam kết.
Với những ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, thì việc nới room phải thỏa mãn các điều kiện đặt ra. Còn lại những ngành nghề, lĩnh vực mà không có quy định khống chế về tỷ lệ sở hữu đối với nhà ĐTNN, thì mở room tối đa; trong đó, tỷ lệ room áp dụng đối với nhà ĐTNN sẽ do các DN tự quyết định.
Hiện nay, trong số hơn 600 DN đang niêm yết trên hai sở GDCK hiện tại, số lượng cổ phiếu tốt, chất lượng cao không nhiều và đã kín room với nhà đầu tư ngoại, nên phần nào cản trở dòng vốn đầu tư nước ngoài tham gia TTCK Việt Nam. Do đó, khi quyết định nới room có hiệu lực, sẽ có nhiều món ngon hơn để các nhà ĐTNN lựa chọn.
Liệu sự phân hóa của các nhóm ngành sẽ ra sao, thưa ông?
Với các DN cổ phần hình thành từ CPH, nếu cổ đông Nhà nước tiếp tục nắm giữ cổ phần, mà không sớm thoái bớt, trong khi nếu đây là những cổ phiếu nhà ĐTNN có nhu cầu tăng tỷ lệ sở hữu, thì hiệu ứng tác động của nới room sẽ hạn chế.
Tương tự, với những công ty, hoặc nhóm công ty mang tính chất gia đình, nếu họ tiếp tục muốn tăng tỷ lệ sở hữu, chứ không phải bán bớt cổ phiếu, thì cơ hội tăng tỷ lệ sở hữu với NĐT ngoại cũng gặp khó khăn.
Với các DN cổ phần tư nhân hoạt động trong những lĩnh vực tiềm năng mà NĐT nước ngoài quan tâm, nếu chủ DN sẵn sàng mở cửa để đón nhận nhân tố nước ngoài xuất hiện nhằm nâng cao chất lượng quản trị, cải thiện năng lực về vốn, công nghệ…, thì nhóm DN này có thể tạo hiệu ứng rất tích cực từ động thái nới room.
Việc nới room sẽ tác động hai chiều các DN, trong đó có nhóm ngành dịch vụ chứng khoán, đặc biệt là dịch vụ tư vấn mua bán, sáp nhập. Còn nhiều vấn đề phải được giải quyết để nhà ĐTNN có thể sở hữu đến 100% các Cty niêm yết, trong đó có hoàn thiện hành lang pháp lý về sở hữu tài sản là bất động sản…
Nhà ĐTNN cũng được đầu tư không hạn chế vào chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán, cổ phiếu của cty đầu tư chứng khoán, cổ phiếu không có quyền biểu quyết của công ty đại chúng, chứng khoán phái sinh, chứng chỉ lưu ký, trừ trường hợp điều lệ của tổ chức phát hành có quy định khác. Ngoại trừ quỹ mở, quỹ đầu tư chứng khoán có tỷ lệ sở hữu nước ngoài đạt từ 51% trở lên, thực hiện điều kiện và thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi góp vốn, mua chứng khoán, phần vốn góp của tổ chức kinh tế.
Việc nới room cũng sẽ mở rộng đối tượng đầu tư và mang lại thêm cho chính các DN nhiều cơ hội hợp tác với nhiều nhà đầu tư tiềm năng khác.
Tương tự như các nhóm ngành, lĩnh vực khác, việc nới room sẽ đặt nhóm ngành dịch vụ chứng khoán đối mặt với nhiều áp lực cạnh tranh hơn, nhưng yếu tố tích cực là thị trường và nhà đầu tư sẽ có cơ hội sử dụng các dịch vụ đa dạng, có chất lượng tốt hơn.
Xin cảm ơn ông!
Từ ngày 1/9/2015, Nghị định 60/2015/NĐ-CP có hiệu lực cũng mở lối cho nhà đầu tư ngoại đầu tư không giới hạn vào trái phiếu Chính phủ. Về việc đầu tư vào trái phiếu của nhà ĐTNN, nghị định quy định, nhà ĐTNN được đầu tư không hạn chế vào trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương, trái phiếu DN, trừ trường hợp pháp luật có liên quan hoặc tổ chức phát hành có quy định khác. Trường hợp phát hành trái phiếu chuyển đổi, tổ chức phát hành phải đảm bảo tỷ lệ sở hữu nước ngoài khi đến hạn chuyển đổi thành cổ phiếu hoặc đến thời hạn mua cổ phiếu tuân thủ quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài.