Nửa đầu năm nay, tăng trưởng nhóm FMCG (ngành sản xuất hàng tiêu dùng nhanh) ở khu vực thành thị lên mức cao nhất trong vòng 3 năm qua. Khu vực nông thôn đã có dấu hiệu chững lại về tốc độ tăng trưởng, nhưng vẫn được các chuyên gia kỳ vọng là thị trường có cơ hội tăng trưởng lớn trong tương lai. Mùa bán hàng Tết đang đến gần, cùng với những đặc điểm về thị trường, các thông tin về kênh phân phối, cách thức lựa chọn sản phẩm… từ các chuyên gia có thể sẽ là yếu tố quan trọng cho cho các doanh nghiệp, nhà phân phối đưa ra chiến lược chiếm lĩnh thị trường phù hợp.
Thị trường FMCG tăng trưởng dương ở cả hai khu vực
Theo báo cáo cập nhật thị trường FMCG tại Việt Nam của Kantar Worldpanel (từ đầu năm đến tháng 7/2016), thị trường FMCG tăng trưởng dương ở cả hai khu vực thành thị và nông thôn. Cụ thể, tăng trưởng ở thị trường thành thị đạt 4,3% (cùng kỳ năm trước là 1,7%) và tăng trưởng ở thị trường nông thôn đạt 4,6% (cùng kỳ năm trước là 8,5%). Với thị trường FMCG ở khu vực thành thị, đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 3 năm qua, trong khi khu vực nông thôn có dấu hiệu chậm lại.
Cùng nhận định trên, tại báo cáo quý II/2016 của Nielsen cho thấy, doanh thu FMCG ở 6 thành phố lớn nhất cả nước (Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Cần Thơ, Nha Trang và Đà Nẵng) trong quý II/2016 tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức 2,9% của quý trước và cũng là mức tăng trưởng cao nhất trong 3 năm qua. Ở khu vực nông thôn, tăng trưởng giảm về mức 5,6% trong quý II. Báo cáo Market Pulse của Nielsen cho rằng, việc tăng trưởng này chủ yếu đến từ tăng sản lượng, với đóng góp 5,2%.
Tuy nhiên, Nielsen cũng cho rằng, khu vực nông thôn đang tiềm ẩn cơ hội lớn cho ngành hàng FMCG.
“Dân số khu vực nông thôn ở Việt Nam vào khoảng 68% của 90 triệu dân, nhưng hiện nay chỉ có 54% doanh số bán hàng tiêu dùng nhanh đến từ nông thôn. Điều này cho thấy tiềm năng của khu vực nông thôn còn rất nhiều. Hơn nữa, cư dân nông thôn hiện nay đang ưu tiên đầu tư vào giáo dục, và đang có sự tăng trưởng thu nhập vào khoảng 44% trong 3 năm qua. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thực sự khai phá hết các cơ hội tiềm ẩn tại thị trường nông thôn”, ông Nguyễn Anh Dũng – Giám đốc, Trưởng Bộ phận Dịch vụ Đo lường Bán lẻ, Nielsen Việt Nam
Về tăng trưởng ngành, ngành hàng thực phẩm đóng góp chính cho tăng trưởng. Sữa, thực phẩm từ sữa và thực phẩm đóng gói tiếp tục dẫn đầu tăng trưởng ở cả thành thị và nông thôn. Sự phục hồi tăng trưởng diễn ra ở hầu hết các ngành hàng như thực phẩm (4,7%), sữa và các sản phẩm từ sữa (4,0%), sản phẩm chăm sóc gia đình (4,6%)… Ngành hàng nước uống (bao gồm bia) tiếp tục là ngành hàng có đóng góp lớn nhất vào doanh số tiêu dùng nhanh trong quý 2, với 41% – đạt mức tăng trưởng 9,2% (chủ yếu đến từ tăng sản lượng 6,9%).
Về hệ thống phân phối, trong khi tạp hóa nhỏ tiếp tục là kênh mua sắm chủ lực ở nông thôn thì cửa hàng bách hoá, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi dẫn đầu tăng trưởng ở khu vực thành thị. Đáng chú ý, kênh mua sắm này đạt mức tăng trưởng 2 con số (29%) ở thị trường thành thị. Đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp FMCG xây dựng chiến lược gia tăng thị phần qua kênh này, đặc biệt trong những tháng cuối năm khi nhu cầu cho các sản phẩm thiết yếu tăng cao.
Khuyến mại là hình thức tiếp thị mang lại nhiều hiệu quả
Thời điểm cuối năm, thực phẩm và nước uống thường là những mặt hàng có sức mua lớn, và đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp tung khuyến mãi để nâng cao doanh số. Đơn cử, theo kết quả kinh doanh mùa Tết 2016, ngành hàng FMCG tại khu vực miền Nam tăng 6%, trong đó chủ yếu đến từ các ngành hàng nước giải khát, bia…
Bên cạnh nhu cầu tăng cao dịp Tết thì lý do khiến mặt hàng này được tiêu thụ tốt là bởi các chính sách hỗ trợ và khuyến mãi dành cho người tiêu dùng. Bởi vậy, nếu muốn tiếp tục duy trì sự tăng trưởng, một trong những bài toán xây đặt ra đối với các doanh nghiệp chính là xây dựng các chương trình khuyến mãi thật hấp dẫn để kích cầu mua sắm.
Cũng cần phải nói thêm rằng, bên cạnh khuyến mãi hấp dẫn, thì người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như các sản phẩm có chứa thành phần tốt cho sức khỏe. Cụ thể, có đến 74% người tiêu dùng Việt tìm hiểu các nhãn hàng kỹ lưỡng, 79% chủ động tìm kiếm các sản phẩm có chứa các thành phần tốt cho sức khỏe. Bởi vậy, bên cạnh lợi thế dành cho những thương hiệu lâu năm trong mùa cao điểm cuối năm, những thương hiệu mới vẫn có cơ hội chiếm lĩnh thị phần nếu sản phẩm đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng, kèm theo các chương trình ưu đãi hấp dẫn.