Hơn 4 năm trước, Mount Kellett rót 100 triệu USD để nắm giữ 20% vốn của Masan. Các điều kiện của giao dịch này là lý do chính khiến Masan phải đưa cổ phiếu của dự án Núi Pháo lên giao dịch chỉ trong khoảng 1 – 2 tháng tới.
Sau khi HAGL niêm yết mảng nông nghiệp trên sàn chứng khoán, thị trường sẽ tiếp tục đón nhận một vụ đưa tài sản lớn khác lên giao dịch là công ty sở hữu mỏ Núi Pháo của tập đoàn Masan.
Kế hoạch ban đầu của Masan là đưa cổ phiếu Công ty Tài nguyên Masan (Masan Resources, công ty) trong năm nay trên sàn UPCOM nhưng đã thông báo dừng chuyển nhượng cổ phần hôm 3/7. Việc niêm yết được dự đoán sẽ diễn ra sớm hơn dự định!
Thời gian lên UpCOM được rút ngắn không phải là “sự vội vàng” duy nhất. Dự án Núi Pháo mới chỉ tạo ra lợi nhuận từ năm 2014, do đó công ty nhiều khả năng không đủ điều kiện để niêm yết trên HNX hay HOSE và UPCOM là lựa chọn duy nhất.
Mặc dù vậy, nhà đầu tư vẫn sẽ được tiếp cận với đầy đủ và chi tiết các thông tin về tài chính và hoạt động của Masan Resources, thay vì hoàn toàn phụ thuộc vào các công bố của tập đoàn Masan trước đây.
Quan trọng hơn công ty sẽ được thị trường định giá bằng một con số cụ thể, bên cạnh con số giá trị sổ sách ước tính khoảng gần 600 triệu USD hiện tại.
Tác dụng thấy ngay của việc đưa cổ phiếu lên giao dịch là định giá tập đoàn Masan sẽ trở nên đơn giản hơn đối với nhà đầu tư. Giá trị toàn bộ mảng kinh doanh hàng tiêu dùng sẽ là phần còn lại của Masan sau khi trừ đi khoản đầu tư vào Techcombank và giá trị của Núi Pháo.
Tại sao việc lên sàn giao dịch của Masan Resources sẽ diễn ra sớm?
Hơn 4 năm trước, Masan Resources đã được định giá 500 triệu USD dựa vào giao dịch Mount Kellett rót 100 triệu USD để nắm giữ 20%. Các điều kiện của giao dịch này là lý do chính khiến Masan phải đưa vào giao dịch cổ phiếu của dự án Núi Pháo chỉ trong khoảng 1 – 2 tháng tới.
Cụ thể, Mount Kellett có quyền đổi 20% cổ phần nêu trên lấy cổ phiếu của tập đoàn Masan nếu Masan Resources không được giao dịch trên thị trường chứng khoán quốc tế trong vòng 4,5 năm kể từ khi kết thúc giao dịch vào tháng 3/2011. Tức là trước tháng 9 năm 2015, Masan Resource sẽ phải được giao dịch.
Nếu không, tập đoàn Masan sẽ phải phát hành một lượng cổ phiếu để hoán đổi cho Mount Kellet dựa trên một mức tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) là 15% bằng USD, tương đương với mức lãi 87% sau 4,5 năm cho cổ đông này.
Tại thời điểm 31/3/2014, ngoài Mount Kellett, Masan Resources còn có các cổ đông nước ngoài khác là Tiberon Minerals và quỹ PENM III thuộc BankInvest, trong khi tập đoàn Masan sở hữu 74,3% cổ phần.
Sau 5 năm mua lại dự án từ Dragon Capital, Masan đã xóa đi mọi nghi ngờ về năng lực triển khai dự án mỏ Núi Pháo của nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường kim loại giảm giá liên tục nhiều năm qua.
Tập đoàn này đã huy động và đầu tư khoảng 500 triệu USD vào Núi Pháo, đưa dự án này trở thành mỏ vonfram lớn nhất và duy nhất nằm ngoài Trung Quốc đi vào hoạt động trong khoảng 15 năm qua.
Sản lượng của Núi Pháo hiện đóng góp 33% tổng nguồn cung vonfram ngoài Trung Quốc. Điều này có nghĩa là nếu công ty mua lại hoặc hợp nhất với một mỏ vonfram khác có quy mô tương đương hoặc thấp hơn không đáng kể, Masan có thể kiểm soát thị trường vonfram ngoài Trung Quốc. Đây có thể là cách Masan bước chân ra thị trường thế giới và ghi dấu ấn của một công ty Việt Nam trong lĩnh vực khai thác khoáng sản.
Việc giao dịch cổ phiếu Masan Resources có thể coi là bước đi đầu tiên, tạo ra thanh khoản cho cổ phiếu, thu hút thêm các nhà đầu tư mới, bên cạnh đó là cơ hội hiện thực hóa lợi nhuận cho các nhà đầu tư cũ.
Theo Trí thức trẻ