(ĐTCK) Mức độ cải cách của cơ chế nới “room” áp dụng cho NĐT nước ngoài tại Nghị định 60/2015/NĐ-CP là điều không thể phủ nhận, đáp ứng mong đợi của DN, giới đầu tư trong và ngoài nước từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, liệu cơ chế này có kịp triển khai từ ngày 1/9 tới khi Nghị định 60 có hiệu lực?
Khó vì cái gốc chưa rõ
Sở dĩ các DN, giới đầu tư đặt câu hỏi về tính khả thi của cơ chế nới room bởi cái gốc là các quy định chi tiết về danh mục ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện, điều kiện kinh doanh, cũng như chuẩn phân ngành đối tới tất cả các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế hiện còn nhiều điểm chưa rõ, thiếu thống nhất.
Với tư cách là cơ quan được Chính phủ giao chủ trì xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, trong đó có các nội dung chi tiết về: ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh; ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh…, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) không dưới một lần quan ngại, nếu các bộ, ngành, địa phương không tích cực, khẩn trương vào cuộc rà soát, hoàn thiện các quy định chưa rõ ràng về các danh mục này, thì nỗ lực sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn nêu trên đối mặt với nhiều thách thức.
Theo Bộ KH&ĐT, các bộ, ngành, địa phương cần lưu ý 2 vấn đề. Thứ nhất, với những ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện, điều kiện kinh doanh không thực sự cần thiết, cần chủ động bãi bỏ, để tạo môi trường kinh doanh thông thoáng theo tư tưởng cải cách của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
Qua rà soát, nếu xét thấy cần duy trì các điều kiện đầu tư, kinh doanh, thì các bộ, ngành, địa phương khẩn trương sửa đổi, hoàn thiện cho phù hợp, trên cơ sở đó đề xuất Chính phủ quy định các vấn đề này ở văn bản quy phạm pháp luật cấp nghị định, chứ không được duy trì ở dạng thông tư, quyết định của các bộ, ngành, địa phương như hiện tại, để đảm bảo tuân thủ đúng quy định của Luật Đầu tư có hiệu lực ngày 1/7/2015.
Room sẽ không mở đồng loạt
Theo đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), danh mục ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện đang tồn tại rải rác ở nhiều văn bản quy pháp pháp luật thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Điều này có nghĩa là tỷ lệ sở hữu tối đa với NĐT nước ngoài ở nhiều lĩnh vực, ngành, nghề đã được quy định và tồn tại trên thực tế.
Bởi vậy, nhiệm vụ của các bộ, ngành là rà soát, thống nhất danh mục các ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện, từ đó loại bỏ bớt hoặc bổ sung các điều kiện kinh doanh, đầu tư vào các ngành, nghề có quá nhiều, chưa có hoặc có nhưng chưa đầy đủ, làm cơ sở thống nhất cho triển khai trong thực tế.
Cơ chế nới room có tính khả thi từ ngày 1/9 tới. Tuy nhiên, tính khả thi ở đây cần được hiểu là chưa thể diễn ra trên diện rộng với nhiều ngành, lĩnh vực như mong muốn của các DN và NĐT, mà trước mắt sẽ chỉ diễn ra đối với các lĩnh vực đã có quy định rõ ràng về tỷ lệ sở hữu tối đa đối với NĐT nước ngoài. Chẳng hạn, kinh doanh chứng khoán: 100%; ngân hàng, vận tải hàng không: 30%; dịch vụ thẩm định giá: 35%; dịch vụ viễn thông: 65%…
Với những ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với NĐT nước ngoài nhưng chưa có quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, thì trước mắt chưa thể nới room, mà vẫn áp dụng mức tối đa như hiện tại là 49%.
Khi danh mục ngành, nghề này được công bố chính thức, trong đó có những ngành, lĩnh vực mà NĐT nước ngoài được phép sở hữu trên 49%, thì quyết định nới room lên trên mức này sẽ tự động có hiệu lực, mà không phải chờ văn bản hướng dẫn. Điều này có nghĩa là việc nới sở hữu nước ngoài sẽ được mở rộng ra nhiều ngành, nghề theo thời gian.
Được biết, để quy định nới room sớm đi vào cuộc sống, UBCK đang xây dựng văn bản hướng dẫn Nghị định 60 để trình Bộ Tài chính ban hành. Tiến độ xây dựng, ban hành văn này đang được nỗ lực triển khai theo hướng kịp thời có hiệu lực cùng thời điểm với Nghị định 60.
Trong một diễn biến có liên quan, phúc đáp công văn của Bộ KH&ĐT về điều kiện đầu tư áp dụng đối với NĐT nước ngoài, Bộ Tài chính cho biết, trong phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ, có 13 ngành, nghề quy định điều kiện đầu tư cho NĐT nước ngoài. Về cơ bản, quy định này thống nhất với các cam kết quốc tế, riêng ngành, nghề kinh doanh chứng khoán có quy định pháp luật mở hơn.
Về nguyên tắc, trường hợp điều ước quốc tế có quy định khác với pháp luật hiện hành, thì áp dụng theo quy định của điều ước quốc tế. Tuy nhiên, trong trường hợp pháp luật Việt Nam có quy định thuận lợi hơn so với điều ước quốc tế, Bộ Tài chính đề nghị áp dụng theo hướng cho phép NĐT nước ngoài được thực hiện pháp luật của Việt Nam.
Với ngành, nghề mà Việt Nam chưa cam kết mở cửa cho NĐT nước ngoài, hoặc không được liệt kê cụ thể trong danh mục cam kết của Việt Nam theo điều ước quốc tế, Bộ Tài chính đề nghị Bộ KH&ĐT yêu cầu các bộ, ngành nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền ban hành các điều kiện đầu tư cụ thể theo quy định của Luật Đầu tư (nếu cần thiết), đặc biệt liên quan tới tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài.
Theo Bộ Tài chính, trong phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ, có 13 ngành, nghề quy định điều kiện đầu tư cho NĐT nước ngoài gồm: kinh doanh dịch vụ kế toán; kinh doanh dịch vụ kiểm toán; kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế; kinh doanh chứng khoán; kinh doanh dịch vụ đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán của Trung tâm Lưu kýchứng khoán/tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán niêm yết và các loại chứng khoán khác; kinh doanh dịch vụ thẩm định giá; cung cấp dịch vụ xác định giá trị DN để cổ phần hóa; kinh doanh xổ số; kinh doanh dịch vụ đòi nợ; kinh doanh bảo hiểm; kinh doanh tái bảo hiểm; kinh doanh môi giới bảo hiểm; đào tạo đại lý bảo hiểm. |
Hữu Đạo