(ĐTCK) Đó là thông tin được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết tại Diễn đàn Doanh nghiệp (VBF) giữa kỳ diễn ra ngày 9/6.
UBCK rất tích cực, nhưng không đủ thẩm quyền
Đại diện Nhóm công tác Thị trường vốn, ông Nguyễn Kiên cảnh báo: TTCK Việt Nam đang đi thụt lùi, đặc biệt là khi so sánh với các nước ASEAN. Tuy UBCK đã rất tích cực lắng nghe những khó khăn, vướng mắc của NĐT và đã cố gắng nhất có thể để trợ giúp NĐT, nhưng những nhân tố làm TTCK đi xuống dường như đã không thuộc thẩm quyền của UBCK, mà đòi hỏi những quyết sách kịp thời và cương quyết từ Chính phủ.
Để minh chứng cho nhận định TTCK Việt Nam đang thụt lùi, quy mô còn nhỏ so với các nước lân cận, Nhóm công tác Thị trường vốn đưa ra một thống kê đáng chú ý.
Theo đó, Việt Nam có 91 triệu dân, nhưng vốn hóa của TTCK chỉ khoảng 46 tỷ USD, tương đương 25% GDP. Trong khi đó, Philippines, với 99 triệu dân, vốn hóa của TTCK khoảng 184 tỷ USD, tương đương 65% GDP của nước này; Thái Lan, với 69 triệu dân, vốn hóa của TTCK khoảng 418 tỷ USD, tương đương 112% GDP của nước này; Singapore với 5 triệu dân, mức vốn hóa của TTCK khoảng 415 tỷ USD…
Với quy mô của TTCK còn khiêm tốn như trên, Nhóm công tác Thị trường vốn nhận thấy TTCK hiện tại của Việt Nam sẽ không đủ mạnh để hỗ trợ quá trình cổ phần hóa (CPH). Tổng giá trị các DNNN sẽ được CPH trong 3 năm tới ước tính khoảng 25 tỷ USD.
Nếu Chính phủ chỉ dự kiến bán ra thị trường 15% tổng số lượng cổ phần, thì thị trường sẽ cần 3,75 tỷ USD để mua số cổ phần này. Nguồn tiền trong nước sẽ không đủ để mua số cổ phần nói trên, nên Việt Nam sẽ cần một dòng tiền mới của nước ngoài để mua.
Thế nhưng, theo nhóm công tác, tính từ đầu năm nay đến ngày 19/5/2015, dòng tiền mới của nước ngoài chảy vào Sở GDCK Hà Nội chỉ là 5 triệu USD, vào Sở GDCK TP. HCM là 113,3 triệu USD.
Để thúc đẩy TTCK phát triển hơn trong thời gian tới, Nhóm công tác Thị trường vốn đề xuất Chính phủ, Bộ Tài chính triển khai 3 nhóm giải pháp. Đầu tiên là nhóm giải pháp về CPH DNNN gắn với niêm yết.
Theo đó, CPH phải đi kèm với niêm yết các công ty đã được CPH. Để tạo thanh khoản tốt cho thị trường, Chính phủ nên bán từ 25 – 30% cổ phần của DN được CPH thông qua các nhà môi giới chứng khoán quốc tế và chuyên nghiệp.
Tiếp đến là nhóm kiến nghị về tăng sở hữu nước ngoài. “Trong 3 năm qua, NĐT nước ngoài đã đợi Chính phủ tăng sở hữu nước ngoài tại các công ty đại chúng. Hiện tại, chúng tôi vẫn đang đợi Chính phủ thông qua Nghị định sửa đổi Nghị định 58/2012…”, ông Kiên nói và cho rằng, để thu hút được dòng vốn mới của NĐT nước ngoài vào TTCK và vào những DNNN mới được CPH, Việt Nam cần mạnh dạn xóa bỏ trần tỷ lệ sở hữu 49% áp dụng đối với NĐT nước ngoài. Nên áp dụng tỷ lệ sở hữu theo đúng cam kết WTO của Việt Nam đối với các công ty đại chúng kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ; mở cửa toàn bộ thị trường đối với các lĩnh vực khác không nằm trong cam kết WTO của Việt Nam (trừ những lĩnh vực kinh doanh có điều kiện và những lĩnh vực ảnh hưởng tới an ninh quốc gia).
Cuối cùng, Nhóm công tác Thị trường vốn đề xuất Chính phủ sớm thông qua dự thảo Nghị định về quỹ hưu trí tự nguyện, vì việc thành lập quỹ này sẽ tạo thêm nguồn cầu đáng kể đối với thị trường tài chính nói chung và CPH nói riêng.
“Nới room đang được Chính phủ xem xét ban hành…”
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết như vậy khi giải đáp các kiến nghị của Nhóm công tác Thị trường vốn.
Tại dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 58/2012 hướng dẫn Luật Chứng khoán, mà Bộ Tài chính đã trình và Chính phủ đang xem xét ban hành có nội dung về nới lỏng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại các DN Việt Nam áp dụng với NĐT nước ngoài theo cam kết WTO. Ngoại trừ các lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, hạn chế đầu tư, thì sẽ tăng tỷ lệ sở hữu cho NĐT nước ngoài.
Giải đáp đề xuất CPH DNNN gắn với niêm yết, ông Dũng cho biết, thời gian qua, Bộ Tài chính đã chỉ đạo UBCK cùng các đơn vị liên quan đề xuất, triển khai các giải pháp đẩy mạnh CPH, thoái vốn, trong đó có cơ chế CPH gắn với việc DN đưa cổ phiếu lên sàn.
“Nhóm công tác Thị trường vốn đề xuất Chính phủ Việt Nam nên bán từ 25 – 30% cổ phần của DN được CPH thông qua các nhà môi giới chứng khoán quốc tế và chuyên nghiệp, chúng tôi cần Nhóm công tác làm rõ tỷ lệ này được xác định dựa trên tổng số vốn của DN hay tổng lượng vốn của từng đợt phát hành ra công chúng…”, ông Dũng nói.
Về đề xuất cuối cùng của Nhóm công tác Thị trường vốn là Chính phủ cần sớm thông qua dự thảo Nghị định về quỹ hưu trí tự nguyện, ông Dũng cho hay, dự thảo Nghị định đang được Bộ Tài chính khẩn trương hoàn chỉnh để sớm trình Chính phủ xem xét ban hành.