ĐTCK) TTCK đã có có quãng tăng điểm khá đẹp vào cuối tháng 5 đầu tháng 6, nhưng niềm hy vọng về sự sôi động dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 7.
Một trong những lý do là kết thúc nửa đầu năm tài chính 2015, các DN sẽ căn cứ vào kết quả thực hiện cả năm để quyết định tạm ứng cổ tức, cũng như dự báo về mức độ hoàn thành kế hoạch năm. Cũng thời gian này, nhiều DN sẽ chốt quyền nhận cổ tức của năm cũ, mang đến lợi ích cụ thể cho cổ đông.
Theo ghi nhận của Báo ĐTCK, nhiều thông tin nóng đã bắt đầu lan tỏa như DN này sẽ chi trả cổ tức ở mức 3 con số bằng tiền mặt, DN kia sẽ bán dự án cho đối tác có khả năng hạch toán cả trăm tỷ đồng lợi nhuận năm 2015…
Một số DN có thông tin sắp đến ngày chốt quyền chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ khá cao cũng kích thích sự hưng phấn của thị trường. Nhiều NĐT muốn nhắm vào những cổ phiếu có tin tức hỗ trợ để quay vòng vốn nhanh, chứ không muốn nắm giữ trong bối cảnh thị trường khá nhạy cảm, rất dễ bị tổn thương bởi những thông tin bên ngoài. Bên cạnh đó, rất nhiều NĐT đang lựa chọn cổ phiếu là kênh thay thế gửi tiết kiệm, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô và sức khỏe của nhiều DN ổn định.
Quãng tăng giá mấy tuần qua được lý giải bởi nhiều nguyên nhân khi các cổ phiếu ngân hàng, dầu khí, chứng khoán luân phiên dẫn dắt TTCK. Tuy nhiên, một điểm đáng lưu ý là dòng tiền đã nhanh chóng hấp thụ hết các cổ phiếu có tỷ lệ cổ tức cao ở mức giá mà tỷ lệ cổ tức/thị giá tương đương 8 – 10%/năm.
Chẳng hạn, giá đáy của HPG là 25.000 đồng/CP, tương ứng cổ tức cam kết 25%; của HSG là 33.000 đồng/CP, tương ứng cổ tức và cổ phiếu thưởng 30%; của PET là 15.800 đồng/CP, tương đương cổ tức 16%…
Thực tế, TTCK tuy có khởi sắc, nhưng vẫn trong xu hướng thanh khoản kém sôi động và duy trì mặt bằng giá thấp.
Theo tìm hiểu của ĐTCK, nguyên nhân cơ bản là thiếu các giải pháp khuyến khích thị trường phát triển đồng bộ với thực hiện tái cơ cấu, lành mạnh thị trường tài chính, ngân hàng.
Chẳng hạn, khi kiểm soát dòng vốn ngân hàng cho vay chứng khoán, cơ quản quản lý cần có giải pháp khuyến khích vốn nhàn rỗi vào TTCK như giảm phí, giảm thuế, đưa ra TTCK sản phẩm mới…
Chính phủ và ngành chứng khoán nên lựa chọn những chính sách khuyến khích thị trường dễ thực hiện hơn việc nới room để làm trước. Tuy nhiên, đã không có giải pháp khuyến khích nào đủ mạnh được thực hiện trong vòng 1 năm trở lại đây.
Trong khi đó, riêng về phí giao dịch, NĐT trên TTCK Việt Nam đang phải chịu mức phí cao hơn các thị trường khác, phải treo cả “tiền và hàng” trong 3 ngày khi đặt lệnh mua chứng khoán…
Khi thị trường cần chính sách mới, nhà quản lý sớm hay muộn cũng sẽ có chính sách mới đáp ứng nhu cầu thị trường. Lần này, NĐT đã chờ đợi khá lâu, nên cũng đồng nghĩa với việc thời điểm có chính sách mới sẽ đến gần hơn.
Dòng vốn cả nội và ngoại đang chờ đợi chính sách mới. Tháng 7, nếu Chính phủ chưa kịp ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 58/2012/NĐ-CP để tạo động lực cho TTCK bật mạnh hơn, thì vẫn có kỳ vọng những yếu tố cơ bản là DN tốt, thông tin tốt sẽ hỗ trợ giá cổ phiếu, giữ nhịp khởi sắc của thị trường.