(ĐTCK) Giới đầu tư đang quan tâm tới dự thảo Quy trình rút ngắn thời gian thanh toán từ T+3 về T+2, mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đang lấy ý kiến các thành viên thị trường. Có ý kiến cho rằng, hoạt động thanh toán giao dịch chứng khoán tại TTCK Việt Nam chưa theo chuẩn quốc tế. Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) phản hồi gì về vấn đề này?
Nhìn ra thế giới
Hệ thống thanh toán chứng khoán giữ vai trò trọng yếu đối với sự an toàn và ổn định của hệ thống tài chính của mỗi quốc gia. Vì vậy, từ năm 2001, Tổ chức Các ủy ban chứng khoán quốc tế (IOSCO) và Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) đã phát hành báo cáo riêng đối với hệ thống thanh toán chứng khoán. Trong đó, đưa ra các khuyến nghị về những nguyên tắc mà bất kỳ một hệ thống thanh toán quốc gia nào cũng cần phải đáp ứng. Theo đó, các yếu tố quản trị rủi ro luôn được nhấn mạnh.
Đối với các nguyên tắc về thanh toán, báo cáo khuyến nghị các thị trường cần hoàn tất thanh toán giao dịch không muộn hơn 3 ngày sau ngày giao dịch và việc rút ngắn thời gian thanh toán cần được đánh giá. Hầu hết các thị trường hiện nay đều tuân theo khuyến nghị này của IOSCO/BIS, tức là thời gian thực hiện thanh toán giao dịch không quá T+3.
Theo VSD, bên cạnh các thị trường đã đạt được thời gian thanh toán T+2 như: Hàn Quốc, Đức, còn nhiều TTCK hàng đầu trên thế giới như: Mỹ, Nhật, New Zealand, Australia, Singapore… đang áp dụng cơ chế thanh toán T+3.
Các thị trường này đang có kế hoạch cải cách để rút ngắn cơ chế thanh toán từ T+3 xuống T+2. Tuy nhiên, kế hoạch này luôn là một thách thức không nhỏ và để thực hiện, cơ quan quản lý và điều hành thị trường đều phải cân nhắc thận trọng nhiều khía cạnh về thời gian, chi phí, đặc biệt là quản trị rủi ro trước khi thực hiện.
Tại châu Âu, kế hoạch rút ngắn thời gian thanh toán xuống T+2 cho toàn bộ các thị trường thành viên trong khối liên minh châu Âu được khởi động từ năm 2009, nhưng tới năm 2015 mới hoàn thành khi các chính sách quản lý và hệ thống kỹ thuật được hoàn tất.
Tại Mỹ, Trung tâm Lưu ký Mỹ (DTCC) đặt mục tiêu rút ngắn thời gian thanh toán từ T+3 xuống T+2 từ năm 2001 và đến nay vẫn chưa thực hiện được do vướng nhiều yếu tố về chi phí, rủi ro khi điều chỉnh hệ thống tại các khâu.
Thị trường Singapore, từ năm 2014 cũng muốn rút ngắn thời gian thanh toán xuống T+2, nhưng kế hoạch cụ thể chỉ được xác định khi đã lấy ý kiến công chúng vào giữa năm 2016, cũng như hoàn tất các khâu chuẩn bị về pháp lý và hệ thống kỹ thuật đã sẵn sàng.
Bài toán rút ngắn về T+2 tại việt nam
TTCK Việt Nam đi vào hoạt động được 15 năm và đã ghi nhận những nỗ lực của cơ quan quản lý và vận hành thị trường trên nhiều lĩnh vực, trong đó có hoạt động bù trừ thanh toán.
Giai đoạn đầu khi thị trường mới thành lập, thời gian thanh toán giao dịch chứng khoán tại Sở GDCK TP. HCM là T+4, sau đó được rút xuống chiều T+3.
Kể từ tháng 9/2012, VSD đã có bước cải tiến về quy trình thanh toán, theo đó đã chuyển thời gian hoàn tất thanh toán (chuyển giao tiền và chứng khoán giữa bên mua và bán) từ chiều T+3 lên trước 9 giờ sáng ngày T+3 nhằm giúp NĐT có thể giao dịch mua, bán chứng khoán ngay trong ngày T+3 từ số tiền và chứng khoán nhận được trong sáng T+3.
Tuy nhiên, cùng với việc điều chỉnh này, theo quy định của VSD, NĐT bên mua phải chuyển tiền mua chứng khoán vào tài khoản của thành viên bên mua mở tại ngân hàng thanh toán (NHTT) là BIDV vào chiều ngày T+2 để đảm bảo cho việc thanh toán được thực hiện vào sáng ngày T+3, thay vì thời gian chuyển tiền thanh toán là vào sáng ngày T+3 như quy trình thanh toán trước đây.
Đã có những ý kiến từ thị trường về quy định này khi cho rằng có sự không hợp lý về quy định thời gian chuyển tiền để thanh toán cho giao dịch mua chứng khoán vào chiều ngày T+2, trong khi chứng khoán mua phải đến sáng T+3 mới được nhận về tài khoản.
Ngoài ra, yếu tố rủi ro của việc giữ tiền qua đêm tại NHTT cũng là quan ngại của các NĐT nước ngoài. Đại diện VSD cho rằng, đây là yêu cầu bắt buộc mà NĐT phải chấp nhận để bước thanh toán cuối cùng được hoàn tất vào sáng ngày T+3, vì VSD phải thực hiện so khớp số dư với NHTT, cũng như áp dụng các biện pháp xử lý trong trường hợp thành viên thiếu tiền thanh toán ngay trong chiều T+2, nếu để đến sáng T+3 sẽ không kịp để thanh toán trước 9 giờ sáng.
Cũng theo đại diện của VSD, trước khi hoàn tất thanh toán vào sáng T+3, chứng khoán của NĐT vẫn được quản lý trên tài khoản phong tỏa thuộc sở hữu của NĐT và tiền của NĐT bên mua chuyển vào chiều T+2 chưa được cắt cho bên bán mà vẫn được quản lý trên tài khoản của thành viên bên mua tại NHTT.
Chỉ đến sáng T+3, VSD mới thực hiện chuyển giao chứng khoán từ NĐT bên bán sang bên mua, đồng thời với việc thanh toán tiền từ tài khoản thành viên bên mua sang bên bán tại NHTT. Xét theo chuẩn mực thanh toán giao dịch chứng khoán theo khuyến nghị của IOSCO/BIS, VSD khẳng định, hoạt động thanh toán giao dịch của VSD hiện nay tuân thủ theo chuẩn thanh toán DVP (Delivery Versus Payment) chặt chẽ của các tổ chức này.
Để đảm bảo thời gian chuyển tiền mua vào tài khoản tại NHTT và thời gian nhận chứng khoán được diễn ra cùng ngày, đã có ý kiến từ phía NĐT nước ngoài đề xuất cơ quan quản lý có thể xem xét áp dụng lại thời gian thanh toán vào chiều ngày T+3 như trước kia, vì với họ yếu tố về quản trị rủi ro quan trọng hơn là rút ngắn thời gian thanh toán.
Tuy nhiên, theo đại diện của VSD, vấn đề này có cách tiếp cận tích cực khi kế hoạch rút ngắn thời gian thanh toán xuống T+2 được hiện thực hóa. Kế hoạch này hiện đã được VSD báo cáo UBCK và đang được lấy ý kiến thành viên thị trường.
Trong dự thảo phương án thanh toán T+2 mà UBCK đang lấy ý kiến góp ý có thể thấy, với việc rút ngắn thời gian thanh toán giao dịch cổ phiếu xuống T+2, thời gian mà thành viên bên bán phải chuyển tiền mua vào tài khoản của mình tại NHTT là 11 giờ sáng ngày T+2 diễn ra cùng ngày với bước thanh toán cuối cùng vào chiều T+2 (chuyển giao chứng khoán đồng thời với thanh toán tiền) sẽ đạt được kỳ vọng từ thị trường.
Liên quan đến kế hoạch chuẩn bị cho việc rút ngắn thời gian thanh toán xuống T+2, đại diện VSD cho biết, VSD đã sẵn sàng. Để có thể đưa ra kế hoạch này, VSD đã chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết từ lâu trước khi báo cáo UBCK, nhất là việc điều chỉnh, nâng cấp hệ thống kỹ thuật và rà soát kỹ lưỡng các quy định, quy trình thực hiện, trong đó quan trọng nhất là khía cạnh về quản trị rủi ro được đặt lên hàng đầu.
Trong điều kiện thị trường Việt Nam hiện nay, xét cả về khía cạnh hạ tầng kỹ thuật và chất lượng quản trị rủi ro ở các khâu, nhất là tại các CTCK, đại diện VSD chia sẻ: phương án rút ngắn thời gian thanh toán xuống T+2 như đề xuất của VSD là tối ưu, phù hợp với xu thế chung của các TTCK quốc tế.
Việc rút ngắn hơn nữa thời gian thanh toán sẽ là không thể, do không đảm bảo được các yếu tố quan trọng hàng đầu là kiểm soát rủi ro cho hoạt động của thị trường.