(TBKTSG) – Tuần qua, trong phiên thảo luận của Quốc hội về quyết toán ngân sách 2013, vấn đề kỷ luật chi tiêu ngân sách, mà cụ thể là bội chi tăng cao vượt mức cho phép, đã được đưa ra mổ xẻ.
Không ít đại biểu tỏ ra bức xúc thể hiện qua những phát biểu hùng hồn như: chỉ tăng một xu so với dự toán cũng không được, đã đến lúc phải quyết liệt ngăn chặn tình trạng này, phải lập lại kỷ luật chi tiêu, không thể chấp nhận mãi tình hình như thế…
Thôi thì không biết bao nhiêu dẫn chứng được nói đến để minh họa cho thực trạng sử dụng đồng tiền công quỹ tùy tiện và lãng phí, mà cái gốc của vấn đề chính là những tồn tại của thể chế nhìn dưới góc độ ngân sách như phát biểu của một đại biểu Quốc hội.
Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, ngân sách là một đạo luật tài chính được xây dựng hàng năm theo một lộ trình: dự thảo, biểu quyết, kiểm soát thi hành và thanh quyết toán. Trong mỗi giai đoạn người ta quy định đầy đủ các cơ chế với thẩm quyền và trách nhiệm minh bạch.
Ở các nước phát triển, quốc hội đòi hỏi chính phủ hàng năm phải đệ trình một dự toán ngân sách nhà nước rất cụ thể, bao gồm toàn bộ các khoản dự thu, dự chi. Dự toán của các cơ quan, các địa phương trong cả nước sẽ được phân chia thành từng chương, từng mục, từng điều, từng khoản. Việc chuẩn bị kỹ như thế nhằm để quốc hội có thể biết rõ từng loại chi phí của mỗi cơ quan, địa phương, từ đó mới có cơ sở để cắt giảm hoặc tăng thêm loại chi phí nào, của cơ quan nào.
Một ví dụ, chẳng hạn ngành giáo dục, dự toán ngân sách phải bao gồm các khoản chi tiêu như lương giáo viên bao nhiêu là đủ sống, mua sắm trang thiết bị, xây dựng bao nhiêu trường lớp là phù hợp với điều kiện thực tế và khả năng của ngân sách, dành ưu tiên ngân sách cho lĩnh vực nào, địa phương nào… Đồng thời các khoản chi được xem là bất hợp lý sẽ bị quốc hội cắt giảm, dành tiền cho các khoản chi cần thiết hơn.
Với cách phân bổ này thì việc tăng kinh phí hàng năm cũng có nghĩa ngành giáo dục phải làm cho sự nghiệp đào tạo con người ngày càng tốt hơn. Và tất nhiên ngành giáo dục cũng có thể xin quốc hội phân bổ ngân sách nhiều hơn để có thể hoàn thành trách nhiệm được giao.
Dự toán được một ủy ban chuyên môn tổng hợp thành dự thảo luật ngân sách dày như cuốn từ điển ngàn trang. Việc thảo luận để đi đến phê chuẩn luật ngân sách thường diễn ra trong suốt ba tháng của kỳ họp biểu quyết thông qua ngân sách (thường từ tháng 9 đến tháng 11) với những tranh cãi có khi rất gay gắt, đến mức các bộ trưởng hay người đứng đầu chính phủ phải ra trước quốc hội bảo vệ quan điểm của mình. Sau khi được ban hành, luật ngân sách có tính pháp lý như một đạo luật về tài chính.
Ở nước ta, lộ trình xây dựng ngân sách lại chưa có được một dự thảo thật cụ thể như vừa nói trên đây, nên Quốc hội chỉ có thể dựa vào báo cáo quyết toán hàng năm của Chính phủ để thảo luận rồi biểu quyết theo hình thức “trọn gói”. Mặt khác, do không xem đó là đạo luật nên rất khó xử lý theo pháp luật các vi phạm trong chi tiêu ngân sách của các cơ quan và địa phương. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng lạm dụng chi tiêu dẫn đến bội chi, tham nhũng.
Đúng ra, sau khi được Quốc hội biểu quyết và ban hành thì mỗi cơ quan sẽ có trong tay đạo luật tài chính năm ấy, rồi căn cứ vào đó mà quản lý phần kinh phí được Quốc hội phân bổ và tự thực hiện việc chi tiêu theo các định chế chung của cả nước. Việc du di kinh phí nếu không được Quốc hội cho phép sẽ bị xử lý theo luật pháp chứ không phải chỉ là vi phạm hành chính. Đại biểu Quốc hội có chức năng theo dõi, kiểm tra việc chi tiêu ngân sách.
Thế nhưng, để có được một ngân sách như thế thì Quốc hội trong vai trò làm luật của mình phải có đủ hai yếu tố: chuyên trách và chuyên nghiệp. Đây là điều chúng ta chưa có.
Về chuyên trách, thì một Quốc hội mà khoảng 70% đại biểu đều kiêm nhiệm một chức vụ trong bộ máy Đảng, chính quyền hoặc bị ràng buộc bởi công việc mưu sinh thì liệu có đủ thời gian và hoàn toàn công tâm trong việc biểu quyết phân bổ các khoản thu chi trên cả nước, thể hiện ý muốn của toàn dân hay không?
Còn chuyên nghiệp là khái niệm thuộc quy trình làm luật, mà nếu không có thì Quốc hội phải khó khăn lắm mới hoàn thành tốt nhiệm vụ. Mỗi năm với hai kỳ họp ngắn ngủi thì khó lòng bảo đảm việc nghiên cứu đến nơi đến chốn để thảo luận và phê duyệt ngân sách. Khắc phục điều này phải nhờ vào chất xám của hàng trăm chuyên viên tư vấn thuộc nhiều lĩnh vực, chứ không đơn giản trông chờ vào sự hiểu biết của đại biểu Quốc hội.
Chất lượng của ngân sách tùy thuộc vào sự chọn lựa chính xác trong khi biểu quyết những vấn đề về quốc kế dân sinh. Điều này càng quan trọng hơn khi mà cái bấm nút mang sức nặng ngàn cân của người đại biểu Quốc hội có thể làm thay đổi một tình hình.