[one_second]ĐTCK) Ngày 18/12/2013, CTCP Đầu tư F.I.T (mã FIT) thực hiện chốt danh sách cổ đông để thực hiện họp đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) bất thường năm 2014, dự kiến tổ chức ngày 18/1/2014. Nhân dịp này, ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Phan Trung Phương, Chủ tịch HĐQT FIT xung quanh các nội dung của cuộc họp sắp tới.
Thưa ông, không còn bao lâu nữa, FIT có thể tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên. Vậy vì sao Công ty lại thực hiện họp ĐHĐCĐ bất thường vào lúc này?[/one_second][one_second][/one_second]
Theo kế hoạch đã công bố với các cổ đông, ngày 18/1/2014, FIT sẽ tổ chức họp ĐHCĐ bất thường để xin ý kiến cổ đông thông qua 4 nội dung chính bao gồm: điều chỉnh tăng kế hoạch kinh doanh năm 2013; thông qua chiến lược kinh doanh năm 2014 và các năm tiếp theo; phương án tăng vốn điều lệ và cuối cùng là việc tuyển dụng nhân sự cao cấp người nước ngoài.
Trên thực tế, việc điều chỉnh tăng kế hoạch kinh doanh năm 2013 chỉ có ý nghĩa về mặt thủ tục, vì hiện tại cũng như thời điểm tổ chức họp ĐHCĐ bất thường, hoạt động kinh doanh của FIT về cơ bản đã xác định xong, FIT đã có BCTC quý IV/2013. Tuy nhiên, để các cổ đông thông qua kết quả kinh doanh năm 2013 thì phải chờ BCTC kiểm toán năm, nên chúng tôi cũng muốn thông qua tại cuộc họp này, mang lại niềm vui cho các cổ đông.
Thứ hai là vấn đề chiến lược kinh doanh. Năm 2013 là năm bản lề FIT thay đổi các chiến lược kinh doanh cốt lõi, phục vụ cho giai đoạn mới từ năm 2014, nên chúng tôi cũng muốn nhận được sự chấp thuận, ủng hộ của các cổ đông. Đây là tiền đề quan trọng để FIT đặt kế hoạch kinh doanh năm 2014, sẽ trình ĐHCĐ thường niên sau đó.
Theo BCTC đã công bố, FIT đã ghi nhận con số lợi nhuận sau thuế 34,098 tỷ đồng. Đây là con số gây bất ngờ cho công chúng đầu tư, khi 9 tháng đầu năm, Công ty chỉ đạt 18 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Vậy, đâu là nguyên nhân dẫn đến con số đột biến này, thưa ông?
Như BCTC đã công bố, năm nay, FIT đã ghi nhận hơn 34 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, vượt xấp xỉ 50% kế hoạch năm, và tăng gần 4 lần so với năm 2012. Nguyên nhân của việc này thì chủ yếu là do trong năm 2013, tình hình TTCK khá thuận lợi, cộng thêm việc đang sở hữu danh mục đầu tư tốt, nên Công ty cũng có điều kiện để hiện thực hóa lợi nhuận.
Ngoài ra, NĐT để ý kỹ BCTC cũng sẽ thấy, FIT đã thực hiện đúng cam kết với cổ đông là giảm mạnh tỷ trọng đầu tư ngắn hạn và vay ngắn hạn. Hiện nay, Công ty hầu như không còn 2 khoản mục này, nên một số khoản đầu tư đã sinh lợi giai đoạn trước chưa hiện thực hóa cũng đã được tất toán.
Với kết quả này, ông có thể bật mí cho NĐT biết kế hoạch kinh doanh năm 2014?
Năm 2014, với việc dự kiến tăng trưởng mạnh mẽ từ các đơn vị thành viên, FIT dự kiến sẽ đặt kế hoạch lợi nhuận cao gấp đôi so với kế hoạch năm 2013, tức khoảng 70 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
So với các năm trước, dường như kết quả kinh doanh của FIT đang tăng rất mạnh. Vậy làm sao để Công ty có thể đạt được kế hoạch này?
Thực ra, đây là lý do chính mà FIT tổ chức họp ĐHCĐ bất thường lần này, đó là một kế hoạch kinh doanh mới.
Năm 2013, FIT đã hoàn thành được 2 bước đi lớn là tất toán các khoản phải trả ngắn hạn. Các khoản phải thu ngắn hạn cũng gần như không còn. Việc làm này một lần nữa thể hiện rằng, những gì đã cam kết với cổ đông, cũng như với các cơ quan quản lý luôn được ban lãnh đạo FIT quyết tâm thực hiện và thực hiện thành công. Điều này chắc chắn sẽ xóa đi những hoài nghi về tính rủi ro trong hoạt động kinh doanh mà một số cổ đông cũng như nhà đầu tư quan ngại bấy lâu nay.
Hai công ty liên kết là Minh Hào và Sao Nam cũng có bước chuẩn bị hợp lý để sẵn sàng cho mục tiêu tăng trưởng gấp đôi vào năm tới. Vấn đề còn lại là FIT phải tiếp tục vận động.
Trong bức tranh tương lai của FIT mà chúng tôi xây dựng, FIT vẫn là doanh nghiệp đầu tư, nhưng thay vì đầu tư tài chính, chúng tôi đầu tư vào doanh nghiệp ngành hàng tiêu dùng, thực phẩm, hóa mỹ phẩm, khai khoáng.
Minh Hào và Sao Nam sẽ tiếp tục được đầu tư về vốn và con người để từng bước tận dụng hết tiềm năng tăng trưởng của mình. Chính vì vậy, FIT đồng thời muốn xin cổ đông thông qua chủ trương cho phép thuê chuyên gia nước ngoài, có kinh nghiệm, uy tín trong các lĩnh vực này để giúp 2 đơn vị này phát triển kinh doanh tốt hơn nữa.
Ngoài ra, FIT cũng đã nghiên cứu một số doanh nghiệp mục tiêu trong lĩnh vực thực phẩm, hàng tiêu dùng để thực hiện M&A. Cùng với Minh Hào và Sao Nam, đây sẽ là các động lực tăng trưởng của FIT trong thời gian tới.
Nhưng để M&A, FIT cần có vốn. Công ty sẽ giải quyết bài toán này như thế nào?
Chúng tôi dự kiến sẽ tăng vốn điều lệ lên bằng các hình thức khác nhau. Trong đó, năm 2014, Công ty dự kiến chia cổ tức năm 2013 tỷ lệ 20% bằng cổ phiếu để có nguồn tiền tái đầu tư. Ngoài ra, Công ty cũng sẽ phát hành cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, chào bán cho cán bộ, công nhân viên và phát hành cho đối tác chiến lược.
Hiện nay, FIT đã nhận được sự quan tâm của nhiều tổ chức, quỹ đầu tư vốn là đối tác của Công ty, sẵn sàng trở thành đối tác chiến lược, và đến thời điểm này về cơ bản đã chốt được đối tác. Chúng tôi cũng đang lựa chọn một định chế tài chính để có thể ký hợp đồng bảo lãnh phát hành, để đảm bảo khả năng thành công của đợt chào bán. Mức giá bán cụ thể sẽ được đàm phán để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa cổ đông hiện hữu và cổ đông mới, nhưng không thấp hơn 12.000 đồng/cổ phiếu.