F.I.T hướng vào đầu tư dài hạn
Ông Phan Trung Phương, Chủ tịc2h HĐQT F.I.T
Doanh thu chủ yếu của F.I.T đến từ nguồn đầu tư hợp tác ngắn hạn, dường như lợi nhuận từ các khoản đầu tư này cho đến nay vẫn tốt đối với F.I.T, thưa ông?
Phải nói chính xác thế này, trong cơ cấu lợi nhuận của F.I.T nửa đầu năm 2014 trở về trước, bao gồm chủ yếu hai mảng là đầu tư ngắn hạn và hợp tác đầu tư.
Đầu tư và dịch vụ tài chính là thế mạnh của F.I.T, đã giúp F.I.T phát triển được như ngày hôm nay, nên quan điểm của Ban lãnh đạo Công ty là tiếp tục duy trì mảng này, tận dụng các cơ hội đầu tư của thị trường cũng như mạng lưới khách hàng, để tối ưu hóa lợi ích cho cổ đông. Trong các năm tới đây, về con số tuyệt đối, thu nhập từ hai mảng này có thể vẫn tăng lên, nhưng tỷ trọng đóng góp của đầu tư hợp tác ngắn hạn vào tổng thu nhập của F.I.T thì sẽ giảm.
Tức là, với F.I.T, đầu tư hợp tác ngắn hạn là tận dụng cơ hội làm ăn trong thời gian ngắn, hay là một chiến lược kinh doanh cụ thể?
Tôi nghĩ trong kinh doanh thì doanh nghiệp nào cũng phải biết cách nắm lấy các cơ hội trước mắt và đồng thời phải có chiến lược phát triển dài hơi. Với chúng tôi, đây đang là giai đoạn tốt để lựa chọn những khoản đầu tư ngắn hạn và thu lợi nhuận. Nhưng chúng tôi vẫn đẩy mạnh chiến lược phát triển lâu dài của mình, cũng dựa trên những cơ hội đã được tạo ra từ nỗ lực và lựa chọn của công ty.
Đầu năm 2014, ĐHCĐ F.I.T đã thông qua định hướng phát triển dành 80% nguồn lực cho việc đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết. Với 3 mảng kinh doanh chính là: đầu tư ngắn hạn, dịch vụ tư vấn – tài chính và đầu tư vào công ty con, công ty liên kết trong các lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm, hóa mỹ phẩm và các ngành hàng thiết yếu.
Trước đó, để chuẩn bị cho chiến lược này, F.I.T đã có sự chuẩn bị rất kỹ với việc tham gia đầu tư vào Sao Nam và Today Cosmetics. Chúng tôi cũng chuẩn bị nhân sự và tìm kiếm các doanh nghiệp tiềm năng, nhưng để mang lại lợi nhuận thì cần phải có vốn đủ lớn và có thời gian.
Cụ thể thì chiến lược dài hơi đã đem lại kết quả gì cho F.I.T, thưa ông?
Năm 2014 là năm đầu chúng tôi thực hiện chiến lược này, nhưng đến cuối năm nay, Công ty cũng sẽ bước đầu ghi nhận lợi nhuận từ công ty con. Hiện F.I.T nắm 65,01% vốn của Công ty CP Vật tư Kỹ thuật Nông dược Cần Thơ (TSC), với dự kiến lợi nhuận TSC là 55 tỷ đồng.
Sang năm trở đi, kế hoạch lợi nhuận của chúng tôi sẽ tăng trưởng mạnh, với đóng góp từ các công ty trong hệ thống, là TSC, Sao Nam, Today Cosmetics. Như tôi đã nói, tỷ trọng thu nhập của các mảng này sẽ tiếp tục tăng mạnh nữa và như vậy tỷ trọng đóng góp của mảng kinh doanh đầu tư ngắn hạn sẽ giảm, dù giá trị tuyệt đối vẫn tăng.
Hoạt động mua, bán DN của F.I.T thực hiện khá mạnh, công ty có phải đi vay để đầu tư vào hoạt động này không? Giá trị vay như thế nào?
F.I.T không vay nợ để đầu tư. Công ty có phương án kinh doanh tốt, cổ đông sẵn sàng tài trợ vốn, và quan điểm của F.I.T là phát triển bền vững, không dùng vốn rủi ro để đầu tư cho các mục tiêu dài hạn.
Đến nay, F.I.T mới hoàn tất thương vụ M&A đầu tiên, là sở hữu 65,01% vốn cổ phần tại TSC. Trong đó đợt 1, F.I.T chi 75 tỷ đồng sở hữu 47,73% vốn cổ phần TSC được mua thông qua hình thức phát hành riêng lẻ. Tiền mua cổ phiếu TSC đợt 1 được trích từ nguồn vốn thu được của việc phát hành tăng vốn lần 1 năm 2014 của F.I.T thực hiện trước đó.
Năng lực tài chính hiện tại của chúng tôi đủ khả năng gia tăng sở hữu tại TSC, và đủ để tiếp tục theo đuổi các mục tiêu tăng vốn phục vụ tăng trưởng của công ty con. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ 9 tháng đầu năm nay của chúng tôi thể hiện chi cho đầu tư vào công ty con, công ty liên kết của F.I.T nhỏ hơn nhiều so với số tiền chúng tôi thu được từ phát hành cổ phiếu cho cổ đông. Và số dư vay nợ của Công ty rất nhỏ so với số dư tiền mà chúng tôi có. Lượng tiền mặt và các khoản tương đương tiền tại thời điểm 30/9/2014 của chúng tôi là khoảng 216 tỷ đồng.
Giá CP và hiệu quả hoạt động của một số DN sau khi F.I.T mua lại diễn biến như thế nào, có tăng không?
Như tôi đã nói ở trên, F.I.T mới mua lại cổ phiếu của TSC và trở thành công ty mẹ của công ty này. Cổ phiếu TSC trên thực tế tăng ngay khi F.I.T có kế hoạch đầu tư vào đây. Tất nhiên, thị trường luôn đúng, và đến nay, dự báo của thị trường về sự hồi phục của TSC là chính xác.
TSC, trước khi F.I.T tham gia vào, là một DN có nền tảng rất tốt về ngành nghề kinh doanh, nhưng gặp quá nhiều khó khăn, trước đó còn bị thua lỗ nặng (vào năm 2012) do gặp khó khăn về vốn và các yếu tố vĩ mô. Sau khi chúng tôi tham gia, TSC được bơm thêm vốn để bật mạnh hoạt động kinh doanh.
Thêm vào đó, chúng tôi đã thực hiện rà soát và thấy là, Công ty có quá nhiều tài sản có giá trị nhưng đã bị để “chết”, rất lãng phí. Tái cấu trúc toàn diện theo hướng tối ưu hóa các tài sản, ngành nghề kinh doanh để đảm bảo, tài sản nào không hiệu quả thì phải bán lấy vốn phục vụ kinh doanh, ngành nghề nào kém thì cải tiến hoặc xóa bỏ.
Được tái cấu trúc toàn diện và khôi phục các mảng kinh doanh, TSC đã hoàn toàn thay đổi. Lãi năm nay dự kiến là 55 tỷ đồng, lãi các năm sau sẽ còn bật mạnh hơn.
Trần Duy thực hiện