(TBKTSG Online) – Sau khi TBKTSG đăng bài “Sự ‘ngưỡng mộ’ đáng ngại” trong đó có đề cập đến Công ty cổ phần Đầu tư F.I.T như một trong ba công ty đang có tốc độ tăng vốn đến chóng mặt, ông Phan Trung Phương, Chủ tịch HĐQT Công ty F.I.T đã có phản hồi đến tòa soạn. Chúng tôi xin trích đăng những phản hồi này ở dạng hỏi đáp vào những vấn đề mà bài báo trước đó nêu ra để rộng đường dư luận.TBKTSG: Công ty của ông phát hành cổ phần liên tục từ khi niêm yết trên thị trường chứng khoán, khiến vốn điều lệ tăng cao. Liệu điều này có ảnh hưởng gì đến việc đảm bảo chất lượng quản trị và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp?
Ông Phan Trung Phương: Tôi cho rằng, một khi đã chịu trách nhiệm quản lý vốn đầu tư của cổ đông, thì dù quy mô vốn 1 tỉ đồng hay 1.000 tỉ đồng, ban lãnh đạo doanh nghiệp đều phải chịu ba sức ép là đảm bảo an toàn và không ngừng sinh lời cho cổ đông, cũng như các trách nhiệm xã hội. Đó là lý do chúng tôi xác định tôn chỉ hoạt động của F.I.T là “Luôn gia tăng giá trị cho cổ đông”. Tất nhiên, khi quy mô vốn tăng lên, sức ép để đảm bảo các yếu tố trên sẽ tăng theo, nhưng chính vì ý thức được vấn đề này nên chúng tôi chỉ lên phương án tăng vốn khi nhìn thấy cơ hội đầu tư thực sự, có phương án về nhân sự phù hợp.
Trên thực tế là, từ khi niêm yết đến nay, chúng tôi luôn đảm bảo hiệu quả kinh doanh cho cổ đông, với lợi nhuận các năm đều hoàn thành vượt kế hoạch đặt ra. Năm 2014, công ty cũng đạt trên 132 tỉ đồng lợi nhuận cổ đông công ty mẹ, vượt xa kế hoạch kinh doanh mà đại hội đồng cổ đông đã thông qua đầu năm. Và năm 2015, chúng tôi tiếp tục tự tin tối thiểu là hoàn thành kế hoạch lợi nhuận 251 tỉ đồng.
Nhưng F.I.T lại đầu tư hết từ mỹ phẩm sang nông nghiệp, rồi sắp tới là dược. Liệu công ty có đảm bảo được hiệu quả đầu tư?
“Nhiều lĩnh vực của Việt Nam đã và đang có nguy cơ bị đối thủ nước ngoài đánh bại ngay trên sân nhà. Ngay lĩnh vực nông nghiệp, nếu không có sự chuẩn bị trước, đầu tư lớn và bài bản, chúng ta có thể sẽ tiếp tục bị đẩy lùi trên chính quê hương mình.”
Ông Phan Trung Phương, Chủ tịch HĐQT Công ty F.I.T |
– Tôi đồng ý là mỗi doanh nghiệp đều có thế mạnh riêng, chúng tôi cũng chỉ có một vài thế mạnh nhất định. Ban lãnh đạo F.I.T đều là những người có kinh nghiệm làm thương mại cho các tập đoàn lớn của nước ngoài và làm đầu tư đủ dài, nên chúng tôi biết nên đầu tư vào đâu, vào lĩnh vực nào. Và, chúng tôi có một thế mạnh khác, mà tôi tin rằng đó chính là một trong những bí quyết thành công của F.I.T. là hệ thống quản trị tốt, sử dụng và phát huy nhân tài.
Khi đầu tư vào các công ty con, quan điểm của chúng tôi là đầu tư vào những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực có quy mô lớn, thị trường lớn, tiềm năng phát triển cao; có thế mạnh đặc thù; và có cơ hội bật mạnh sau tái cấu trúc. Sau khi lựa chọn được doanh nghiệp mục tiêu, chúng tôi cũng phải cân đối tài chính để đảm bảo mức đầu tư chi phối và tìm kiếm nhân sự chất lượng cao trong lĩnh vực đó để đáp ứng yêu cầu tái cấu trúc. Chúng tôi phải tham gia vào các vị trí chủ chốt về tài chính để đảm bảo giám sát được dòng tiền cho cổ đông, nhưng sẽ thuê nhân sự chất lượng cao, có kinh nghiệm trong lĩnh vực để điều hành các mảng sản xuất, kinh doanh, marketing.
Nói F.I.T đầu tư đa ngành cũng có thể đúng, nhưng thực ra, đây đều là các ngành thuộc nhóm hàng cơ bản, đúng như định hướng đầu tư mà đại hội đồng cổ đông của F.I.T đã thông qua trước khi F.I.T thực hiện lộ trình phát hành này, và trong tương lai, chúng tôi cũng sẽ chỉ kiên định với định hướng này thôi.
Nhiều lĩnh vực của Việt Nam đã và đang có nguy cơ bị đối thủ nước ngoài đánh bại ngay trên sân nhà. Ngay lĩnh vực nông nghiệp, nếu không có sự chuẩn bị trước, đầu tư lớn và bài bản, chúng ta có thể sẽ tiếp tục bị đẩy lùi trên chính quê hương mình.
Thế nhưng người ta lo ngại việc tăng vốn có thể là một hình thức sở hữu chéo khi các công ty sở hữu một tỉ lệ nhất định cổ phần của nhau, rồi lại cùng tham gia sở hữu những công ty khác. Chính đó là cách “thâu tóm” hợp pháp qua con đường mua bán cổ phiếu công khai?
– Như chúng ta đã biết, sở hữu chéo được dùng khi một doanh nghiệp đầu tư vào doanh nghiệp khác, nhưng bằng cách này hay cách khác, trực tiếp hoặc gián tiếp, vốn đầu tư đó quay trở lại đầu tư vào công ty mẹ.
Còn ở F.I.T, mô hình rất đơn giản. Công ty mẹ bỏ vốn mua cổ phần và sở hữu chi phối công ty con. Công ty con sử dụng nguồn lực đó để tập trung cho các hoạt động kinh doanh chính của mình. Tất cả chỉ có vậy. F.I.T không hề có mối liên hệ đồng sở hữu (ngang cấp) một công ty nào với các công ty con, công ty liên kết cả.
Vì vậy, chúng tôi không có sở hữu chéo, cũng không có kiểu thâu tóm dạng mạng nhện nào hết. Tất cả những điều này, cổ đông có thể thấy dễ dàng, được công bố công khai trên báo cáo của cả F.I.T lẫn doanh nghiệp được mua.
Về câu chuyện đi mua doanh nghiệp khác, tôi nghĩ rằng, ở Việt Nam, khái niệm tham gia sở hữu đang bị hiểu một cách không được tích cực cho lắm. Doanh nghiệp cũng là một tài sản thôi, và không ai ép người khác bán cho mình được. Xét ở góc độ lợi ích quốc gia, nếu tài sản đó được chuyển quyền sở hữu vào tay người chuyên nghiệp, giúp nó phát huy hiệu quả tốt hơn, mang lại lợi ích cho xã hội nhiều hơn, như một ngôi nhà ở vị trí đẹp thay vì chỉ làm bãi đỗ xe thì nay chuyển sang đầu tư kinh doanh nhà hàng, bệnh viện… thì lẽ ra cần được khuyến khích, chứ không nên nhìn một cách tiêu cực như chúng ta vẫn đang nói.
Hiện tại, F.I.T đã và đang tham gia tăng sở hữu vào hai doanh nghiệp niêm yết. Chúng tôi đều thực hiện đầy đủ, và chính xác theo quy định pháp luật, không có sự mập mờ nào.
Nhưng vì sao các công ty con sau khi được F.I.T đầu tư cũng tăng vốn đồng loạt?
– Thực ra, nhu cầu tăng vốn của F.I.T chủ yếu được xây dựng trên cơ sở đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ kế hoạch mở rộng của các công ty con, là những đơn vị F.I.T nắm từ 51% trở lên. Chỉ cần nhà đầu tư nắm rõ hoạt động các công ty con thì sẽ thấy việc tăng vốn là điều hết sức bình thường và đó là vốn thật.
Ví dụ, với CTCP Vật tư Kỹ thuật Nông nghiệp Cần Thơ (TSC), công ty con là CTCP Chế biến thực phẩm miền Tây (Westfood) hiện đang có thị trường rất tốt, cung mới đáp ứng được chưa đến 15% cầu của khách hàng hiện hữu. Để tối ưu hóa hoạt động, rõ ràng chúng ta sẽ phải mở rộng nhà máy, kho lạnh để tăng năng suất chế biến, và tất cả những cái này đều cần vốn để thực hiện. Nhưng như thế cũng không đủ, vì có nhà máy thì phải có vùng nguyên liệu cho nhà máy hoạt động. Và chỉ cần tính mức đầu tư khoảng 400 triệu đồng cho 1 héc ta vùng nguyên liệu, thì với 1.000 héc ta, chúng ta đã phải tốn 400 tỉ đồng.
Sắp tới với Dược Cửu Long cũng vậy, dù có thế mạnh về vỏ nang rỗng, thương hiệu lâu năm với thị phần khá tốt, nhưng muốn đưa Dược Cửu Long phát triển mạnh mẽ, chúng tôi không chỉ phải hiện đại hóa hệ thống nhà máy, nâng cao tiêu chuẩn, mà còn phải đầu tư nghiên cứu để mở rộng sản phẩm… Đó là hướng đi tất yếu. Và, tôi tin rằng, đó là lý do khiến các cổ đông của F.I.T đồng thuận cao trong việc phải tăng vốn.
Tăng vốn nhanh như thế liệu có công bằng với cổ đông thiểu số nếu họ không đủ tiềm lực để theo kịp kế hoạch tăng vốn?
– Tôi cho rằng, quan trọng nhất là cổ đông thấy có lợi thì họ sẽ tiếp tục thực hiện quyền. Với F.I.T, chúng tôi đã thực hiện chào bán cổ phần ba lần cho cổ đông hiện hữu và một lần riêng lẻ. Trong các lần này, cổ đông đều thực hiện hết quyền, chỉ còn dư lại lượng khoảng vài chục nghìn cổ phiếu trong một vài lần do cổ đông thực hiện quyền bị lẻ. Và, sau mỗi đợt phát hành, cổ phiếu F.I.T. không những không giảm vì điều chỉnh giá, mà luôn ổn định trong xu hướng tăng nhẹ. Theo tôi, đây chính là thước đo chính xác nhất đánh giá của thị trường về hiệu quả kinh doanh của F.I.T.
Nếu chúng tôi mang vốn đầu tư vào một công ty hoàn toàn xa lạ, cổ đông có thể lo lắng. Nhưng ở đây, chúng tôi đầu tư vào những doanh nghiệp niêm yết, rất minh bạch, và cổ đông cũng thấy là, chúng tôi đã tái cấu trúc để công ty con chuyển từ lỗ sang lãi lớn và chuyển vào chu ky tăng trưởng. Đó mới chính là lý do giúp cổ đông luôn đánh giá cao F.I.T.