Đánh giá Thị trường trái phiếu DN năm 2013
Đánh giá thị trường trái phiếu Doanh nghiệp năm 2013 là bài trả lời phỏng vấn của Giám đốc Bộ phận Đầu tư – Công ty Cổ phần Đầu tư FIT với Kênh Truyền hình Đầu tư – VCTV15! Bài trả lời thể hiện một cái nhìn toàn cảnh không mấy khởi sắc của thị trường trái phiếu DN năm nay so với năm ngoái; đồng thời, cũng thể hiện những lưu ý của tác giả với cả các doanh nghiệp và nhà đầu tư khi tham gia thị trường trái phiếu.
PV: Thị trường trái phiếu doanh nghiệp được đánh giá là sẽ khởi sắc trong năm 2013. Ông có đồng tình với nhận định này không?
Ông Bùi Xuân Trung: Về cơ bản tôi chưa đồng tình với nhận định này, vì các lý do sau:
– Thị trường trái phiếu là kênh dẫn vốn rất quan trọng đối với nền kinh tế. Ở các nước phát triển, vay vốn ngân hàng chỉ là kênh huy động vốn ngắn hạn còn kênh huy động vốn từ các nhà đầu tư, Quỹ đầu tư thông qua phát hành cổ phiếu, và trái phiếu mới là kênh huy động vốn dài hạn. Sản phẩm trái phiếu của họ rất đa dạng, trái phiếu có thể đi kèm các CDS (Credit default swap) là các khoản bảo hiểm khi xảy ra default; Có các CDO (Collateralized debt obligation) là các trái phiếu được bảo đảm bởi các khoản vay thế chấp; Nó lại được chia thành các cấp độ khác nhau về độ rủi ro, trả gốc lãi nhanh hay chậm… để thỏa mãn đối với nhiều yêu cầu của nhà đầu tư.
– Ngược lại, ở VN, kênh huy động vốn này gần như chưa phát triển. Đó là do nhiều nguyên nhân: Hành lang pháp lý bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, sức khỏe của doanh nghiệp, sự minh bạch của thị trường, tính thanh khoản… Đối với năm 2013, kinh tế vĩ mô vẫn còn bất ổn, kinh tế chưa có dấu hiệu phục hồi vững chắc, mối nguy lạm phát quay trở lại vẫn còn treo lơ lửng nên các nhà đầu tư sẽ rất thận trọng. Tình hình thị trường trái phiếu sẽ không khác biệt nhiều so với năm 2012. Đó là Trái Phiếu Chính phủ (TPCP) hoặc Trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh thì phát hành thành công, trong khi các doanh nghiệp vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc huy động vốn. Có một nguyên tắc kinh tế, là khi kinh tế càng khó khăn thì nhà đầu tư sẽ càng tìm đến với các kênh đấu tư an toàn nhất. Ở VN đó chính là TPCP, và ở thị trường thế giới là TPCP Mỹ. Bạn có thể nhìn thấy một nghịch lý vào năm 2011, khi S&P hạ xếp hạng tín dụng hàng đầu AAA của Mỹ trong bối cảnh tài chính hỗn loạn, nhưng lợi tức yêu cầu đối với TPCP Mỹ ko hề tăng lên mà có xu hướng giảm do các nhà đầu tư vẫn mua vào ồ ạt. Vì người ta cho rằng khi Mỹ bị hạ xếp hạng tín nhiệm thì thế giới đang rất bất ổn, và khi đó nhà đầu tư lại phải tìm đến công cụ tài chính an toàn nhất chính là TPCP Mỹ.
– Do vậy ở VN, nếu không phải các doanh nghiệp thực sự lớn, tiềm lực đủ mạnh, đã tạo được lòng tin đối với giới đầu tư như: HAG, Masan, Vincom… thì việc huy động vốn qua kênh trái phiếu vẫn gặp khó khăn.
PV: Khi tiến hành phát hành trái phiếu doanh nghiệp, các doanh nghiệp cần chú ý những vấn đề gì thưa ông?
Ông Bùi Xuân Trung: Khi phát hành trái phiếu doanh nghiệp cần chú ý đến các vấn đề:
– Thứ nhất, Đảm bảo các yêu cầu pháp lý: Hoạt động kinh doanh có lãi năm liền kề, Ko có lỗ lũy kế, ko có nợ quá hạn. Có phương án phát hành, phương án sử dụng vốn; Cam kết thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà đầu tư…
– Thứ hai, ngoài thủ tục thì bản thân doanh nghiệp phải tự thẩm định, đánh giá rất kỹ dự án mình định tham gia. Đây không chỉ là bảo vệ quyền lợi nhà Đầu tư mà còn là bảo vệ chính doanh nghiệp. Việc đầu tư dàn trải không hiệu quả trong những năm gần đây chính là nguyên nhân gây ra bất ổn kinh tế và làm phá sản hàng loạt doanh nghiệp
– Thứ ba, để phát hành thành công doanh nghiệp cần có Tài sản bảo đảm hoặc một tổ chức tài chính uy tín đứng ra bảo lãnh cho nghĩa vụ của doanh nghiệp.
– Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần có tổ chức tư vấn về phương thức phát hành trái phiếu, chọn thời điểm phát hành trái phiếu và phân phối trái phiếu. Tổ chức bảo lãnh và tư vấn có thể độc lập hoặc tách biệt.
PV: Vậy nhà đầu tư sẽ gặp những rủi ro gì khi đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp?
Ông Bùi Xuân Trung: Rủi ro lớn nhất chính là rủi ro tín dụng, đó chính là việc doanh nghiệp không thực hiện được các nghĩa vụ cam kết về trả gốc lãi. Vì vậy việc lựa chọn doanh nghiệp, và phân tích là rất quan trọng. Trong các năm 2010 và 2011 hàng loạt các doanh nghiệp phát hành trái phiếu thành công và trong đó phần lớn là doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực Bất động sản. Và khi Bong bóng BĐS được bơm căng, thị trường Bất động sản bị đóng băng thì các doanh nghiệp này gặp rất nhiều khó khăn và không trả được nợ. Trái phiếu của Vina Megastar ,một doanh nghiệp đầu tư kinh doanh BĐS là một ví dụ. Thêm nữa việc kiểm tra về mặt thủ tục pháp lý là rất quan trọng. Trái phiếu của Vina Megastar ,mặc dù, có bảo lãnh thanh toán của Seabank ,nhưng vì tính chưa đầy đủ hiệu lực pháp lý của thư bảo lãnh nên đã đã xảy ra tranh cãi với Bên đầu tư là VVF, và hiện nay thì Seabank vẫn chưa thanh toán
Ngoài rủi ro tín dụng, rủi ro pháp lý thì rủi ro thanh khoản cũng là vấn đề nhà đầu tư cần đặc biệt quan tâm. Thị trường trái phiếu VN hiện nay quá nhỏ bé, nên trái phiếu doanh nghiệp gần như không có thanh khoản. Trừ trái phiếu của các doanh nghiệp thực sự lớn, thì đối với các trái phiếu khác nhà đầu tư thường phải giữ đến khi đáo hạn.
Việc tìm hiểu kỹ thông tin và quyền lợi của Nhà đầu tư được ghi trong Bản cáo bạch cũng rất quan trọng. Năm 2011, trái phiếu chuyển đổi của Công ty cổ phần Ree là một ví dụ. Rất nhiều nhà đầu tư cho rằng, việc chuyển đổi từ trái phiếu sang cổ phiếu là quyền của nhà đầu tư, tức là họ có thể chọn hình thức nhận lại tiền gốc, hoặc chuyển đổi sang vốn góp tại công ty. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này được ghi trong Bản cáo bạch là bắt buộc, nên khi giá cổ phiếu Ree xuống thấp, các Nhà đầu tư không những chỉ nhận được lợi tức 8%, mà sau khi chuyển đổi còn bị lỗ về giá.
PV: Việc thành lập công ty định mức tín nhiệm doanh nghiệp có giúp các nhà đầu tư giảm thiểu rủi ro khi đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp không thưa ông?
Ông Bùi Xuân Trung: Việc thành lập Công ty định mức tín nhiệm về lâu dài sẽ giúp các nhà đầu tư giảm thiểu rủi ro. Nó là sự đánh giá độc lập khách quan của bên thứ ba, và nhà đầu tư có thể căn cứ vào đó để ra quyết định đầu tư.
Tuy nhiên để làm được điều này cần rất nhiều thời gian để nâng cao:
– Trình độ, sự chuyên nghiệp và chuẩn mực đạo đức của các tổ chức này. Trình độ của các chuyên gia phân tích ở Việt Nam hiện nay chưa cao. Việc áp dụng các chuẩn mực đạo đức (Code of Ethics) chưa được chú trọng. Có thể các tổ chức vẫn chưa thực sự khách quan, bị mâu thuẫn lợi ích chi phối, nên các bản báo cáo phân tích chưa chính xác.
– Tính minh bạch của thông tin thị trường. Thị trường Việt Nam bị nhiễu loạn bởi thông tin, các doanh nghiệp thì có năm bẩy loại báo cáo, nên việc chọn lọc thông tin để phân tích cũng gặp rất nhiều khó khăn.
– Cần rất nhiều thời gian để xây dựng lòng tin đối với các Nhà đầu tư, nhưng tôi tin việc thành lập Công ty xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp là thực sự cần thiết!
PV: Xin cảm ơn ông!