Không thể phủ nhận kinh doanh bất động sản là ngành có lợi suất cao so với các ngành khác trong nền kinh tế. Năm 2014, biên lợi nhuận gộp các công ty trong ngành bất động sản là 32,7%, trong đó toàn thị trường là 15,2%. Việc ngày càng có nhiều doanh nghiệp tham gia ngành khiến lợi suất trong ngành sụt giảm và buộc các doanh nghiệp phải cạnh tranh nhiều hơn trong việc việc tìm kiếm và khai thác nguồn quỹ đất nhằm tiếp tục quá trình kinh doanh trong dài hạn.
Thông thường, tiêu chí để mở rộng quỹ đất sạch của doanh nghiệp là vùng có mật độ dân cư/đơn vị diện tính cao, hoặc tìm tới bất động sản tại các tỉnh ngoài Hà Nội và TP. HCM, nơi mà ở đó tập trung nhiều khu công nghiệp, hoặc là trung tâm kinh tế các vùng, miền tại Việt Nam. Những doanh nghiệp đang sở hữu quỹ đất lớn tại những địa điểm như vậy có thể kể đến là Nam Long, BCI, NBB, LCG, ITA… Bên cạnh việc mở rộng quỹ đất, các doanh nghiệp hướng tới việc khai thác bất động sản để kinh doanh và khai thác các dịch vụ. Trong đó, hai phân khúc chính là doanh nghiệp sẽ lựa chọn việc xây dựng cao ốc văn phòng và cho thuê; xây dựng khu du lịch/resort nghỉ dưỡng.
CTCP Tập đoàn Vingroup (VIC) là trường hợp điển hình thành công khi tiên phong trong lĩnh vực kinh doanh và khai thác các dịch vụ bất động sản. Hiện VIC là công ty bất động sản có quy mô vốn lớn nhất và có chiều sâu tại Việt Nam. Nhà đầu tư đánh giá cao chiến lược kinh doanh của VIC khi mà giá cổ phiếu của Công ty ở mức 4 lần mệnh giá, kể từ năm 2011 tới nay.
Ở quy mô nhỏ hơn, CTCP Tập đoàn Đầu tư Thăng Long (TIG) đang có ít nhất 2 dự án phát triển kinh doanh resort, nghỉ dưỡng và 1 dự án kinh doanh văn phòng khách sạn cao cấp gồm Dự án Vườn Vua diện tích 84,9 héc-ta, Dự án Cửa Tùng Golf Resort & Villas (26,5 héc-ta) và Dự án Toà nhà hỗn hợp ThangLong Royal Plaza (TIG Tower, 3.871 m2). Các dự án này dự kiến sẽ mang lại nguồn thu dài hạn, ổn định. Ngoài ra, TIG cũng đầu tư dự án kinh doanh nhà ở gồm Nhà liền kề Đại Mỗ (6.877,6 m2, trong đó 4.547,7 m2 là đất thương mại), Khu nhà ở Lô 8.1 Mỹ Đình (3.704 m2) và Vân trì Ecoland (38 héc-ta). Theo đánh giá của CTCK MBS, chiến lược của TIG khá hợp lý, khi nguồn thu từ các dự án nhà ở sẽ là nguồn vốn mạnh để TIG thực hiện và hoàn thiện dự án bất động sản dài hạn.
Theo đánh giá của CBRE, năm 2015, việc thay đổi chính sách tại Luật Kinh doanh bất động sản mới, cho phép kể từ 1/7/2015, các công ty có vốn nước ngoài được phép cho thuê lại tài sản họ đang thuê (luật cũ không cho phép – PV). Bên cạnh đó, các công ty có vốn nước ngoài cũng sẽ được phép mua lại tòa nhà đã xây dựng để sử dụng, sẽ góp phần làm tăng nhu cầu kinh doanh mảng bất động sản thương mại văn phòng. Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng cũng được CBRE dự đoán là sẽ trở lại trong năm 2015. Phân khúc này có xu hướng hút vốn mạnh trở lại trong hơn 8 tháng qua và sẽ còn tiếp diễn.
Trong bối cảnh mới, chiến lược hướng tới kinh doanh dịch vụ trên bất động sản có cơ hội tạo ra dòng tiền trong dài hạn theo hướng ổn định ở mức lợi suất cao. Chiến lược này có thể giúp các công ty giảm thiểu chi phí khi phải liên tục phát triển và tìm kiếm nguồn đất phục vụ cho các dự án bất động sản. Do vậy, đây có thể sẽ là xu hướng phát triển dài hạn, cần quan tâm các doanh nghiệp bất động sản.