(ĐTCK) Kế hoạch kinh doanh vừa công bố của CTCP Vật tư Kỹ thuật Nông nghiệp Cần Thơ (TSC) khiến thị trường không khỏi bất ngờ, thậm chí nghi ngờ, khi chỉ tiêu lợi nhuận năm 2014 tăng gần 4 lần.
Trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Văn Sang, Chủ tịch HĐQT TSC cho rằng, Ban lãnh đạo TSC tham vọng, nhưng không lạc quan tếu.
Sau Nghị quyết HĐQT ngày 16/9/2014, công chúng đầu tư khá bất ngờ với kế hoạch lợi nhuận năm 2014 điều chỉnh mà TSC công bố. Vì sao lại có sự điều chỉnh lợi nhuận đột biến như vậy vào thời điểm này, thưa ông?
Ngày 16/9/2014, HĐQT Công ty đã họp và ra Nghị quyết về việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2014, cũng như kế hoạch phát triển dài hạn cho TSC giai đoạn 2014 – 2019.
Theo Nghị quyết này, lợi nhuận kế hoạch năm 2014 của TSC được điều chỉnh từ mức 14,5 tỷ đồng như Nghị quyết ĐHCĐ đã thông qua đầu năm thành tối thiểu 55 tỷ đồng, tức là gấp gần 3,8 lần.
Thị trường có thể bất ngờ, nhưng tôi khẳng định, đây không phải là thông tin gây sốc.
Ngay trong cuộc họp ĐHCĐ bất thường diễn ra ngày 27/6/2014, khi trả lời chất vấn cổ đông về khả năng hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2014, tôi đã khẳng định là TSC chắc chắn hoàn thành kế hoạch lợi nhuận 14,5 tỷ đồng và phấn đấu xóa lỗ lũy kế.
Cuối năm 2013, TSC ghi nhận lỗ lũy kế trên 52 tỷ đồng. Muốn xóa lỗ lũy kế, đương nhiên lợi nhuận của Công ty năm nay phải tối thiểu bằng con số này, không chênh lệch nhiều so với con số mà HĐQT vừa giao cho Ban Tổng giám đốc.
Chúng tôi muốn đưa kế hoạch này vào Nghị quyết HĐQT để vừa tạo động lực cho Ban điều hành, vừa giúp công chúng đầu tư có đánh giá chính xác hơn về hoạt động kinh doanh của TSC, tránh ghi nhận thông tin không đầy đủ, gây ảnh hưởng đến tính chính xác của các quyết định đầu tư.
6 tháng đầu năm, TSC ghi nhận lãi sau thuế hợp nhất 2,4 tỷ đồng, cả năm đặt kế hoạch lãi ít nhất 55 tỷ đồng, hai con số này cách nhau quá xa. Liệu TSC có tham vọng quá không?
Đúng là kế hoạch kinh doanh mới mà HĐQT giao cho Ban Tổng giám đốc lần này rất tham vọng, đầy thách thức, nhưng chúng tôi không lạc quan tếu. Mọi con số đều được đưa ra trên cơ sở tính toán kỹ các yếu tố thực trạng của TSC, cũng như dự báo tình hình trong các tháng cuối năm. Tôi tự tin là TSC sẽ hoàn thành được kế hoạch này.
Vậy ông có thể cho biết yếu tố nào sẽ giúp TSC chạy nước rút về đích trong mấy tháng tới, hoàn thành mục tiêu lợi nhuận năm nay?
TSC đã và đang trải qua đợt tái cấu trúc toàn diện hoạt động. Phương châm của chúng tôi khi tái cấu trúc doanh nghiệp là hiệu quả tuyệt đối. Điều này có nghĩa, tất cả tài sản, nghiệp vụ kinh doanh của TSC phải được đánh giá lại, tái cấu trúc trên cơ sở: cái gì không hiệu quả hay hiệu quả thấp thì nghiên cứu cải thiện hoặc bỏ, cái gì hiệu quả thì sẽ được tiếp tục đầu tư để tăng hiệu quả hơn nữa.
Sau khi rà soát toàn bộ tài sản của Công ty, chúng tôi thấy, TSC có một lượng không nhỏ tài sản vẫn còn giá trị lớn, nhưng hiệu quả sử dụng thấp, gây lãng phí. Chủ trương của Công ty là thanh lý các tài sản này, đương nhiên sẽ góp phần mang lại một khoản lợi nhuận.
Điều lớn hơn mà TSC đã và đang làm nhằm tạo nên sức mạnh thực sự là tập trung phát triển các mảng hoạt động kinh doanh, với mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận cho Công ty không chỉ năm nay, mà cho cả giai đoạn dài tiếp theo.
TSC có công ty con (chiếm 96% vốn) là CTCP Chế biến thực phẩm xuất khẩu miền Tây (Westfood), hoạt động rất hiệu quả, luôn trong tình trạng đơn hàng từ các nhà nhập khẩu châu Âu, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc lớn hơn nhiều so với năng lực sản xuất.
Năm 2014 có diễn biến thuận lợi hơn cho Westfood, khi giá cả nông sản giảm mạnh, trong khi TSC kịp thời mua trữ được lượng lớn nguyên liệu để bán lại cho Westfood, nên vừa góp phần cải thiện năng suất hoạt động của Westfood (do nhà máy hoạt động liên tục), vừa tăng lợi nhuận cho cả công ty mẹ và công ty con nhờ giá vốn giảm.
Hiện tại, Westfood đã đầu tư và tháng 10 tới sẽ đưa vào vận hành kho lạnh đặc chủng trị giá hàng chục tỷ đồng. Bên cạnh việc bổ sung đầu tư mở rộng công suất hoạt động cho Westfood, kho lạnh này sẽ làm tăng khả năng đáp ứng đơn hàng, làm tăng gấp đôi lợi nhuận cho Công ty. Đây là yếu tố quan trọng giúp TSC cải thiện mạnh mẽ lợi nhuận từ năm nay.
Ngoài ra, các mảng kinh doanh khác của TSC cũng được chúng tôi thực hiện rà soát tổng thể, nhằm khắc phục toàn diện và nâng cao hiệu quả hoạt động, mang lại lợi ích lớn hơn cho cổ đông.
Cụ thể, công ty con thứ hai (sở hữu trên 70% vốn) của TSC là Công ty Nông dược TSC, có vốn điều lệ 180 tỷ đồng. Dự kiến, trong hai ngày 29 – 30/9 tới, Công ty sẽ tổ chức Hội nghị khách hàng, với hàng trăm đại lý cấp 1 và cấp 2, để thúc đẩy mối quan hệ thân thiết hơn với khách hàng và giới thiệu sản phẩm với công thức, bao bì, nhận dạng mới…, nhằm tăng năng hiệu quả kinh doanh.
Đặc biệt, Nông dược TSC được trang bị nhà máy công suất lớn. Trong giai đoạn phát triển thị trường, Công ty thực hiện gia công thêm sản phẩm cho các đối tác để tăng doanh thu, lợi nhuận.
Đối với mảng giống, TSC đã thành lập CTCP Hạt giống TSC. Chúng tôi đã làm việc với một số hãng giống lớn và các trung tâm giống nội địa để trở thành nhà phân phối hạt giống. Đây là mảng kinh doanh nằm trong chuỗi giá trị ngành hàng mà TSC đang kinh doanh, nên sẽ thuận lợi trong phát triển mở rộng thị trường và kinh doanh hiệu quả.
Với mảng kinh doanh gạo và phân bón, đây vốn là mảng mạnh số 1 thị trường của TSC, mang lại lợi nhuận lớn cho Công ty. Hiện tại, chúng tôi đã có phương án, lộ trình và triển khai một số bước đi cụ thể với các đối tác nhằm khôi phục lại vị trí này.
Được biết, trong chiến lược phát triển giai đoạn 2014 – 2019, TSC sẽ tăng vốn lên 1.000 tỷ đồng, các công ty con đều có vốn điều lệ lớn. Dường như, đây cũng là kế hoạch tham vọng?
Westfood, như tôi đã nói ở trên, hoạt động trong tình trạng quá tải. Vấn đề của Công ty không phải nằm ở đầu ra, mà ở năng lực đáp ứng các đơn đặt hàng của khách, vì đơn đặt hàng luôn nhiều hơn năng lực sản xuất.
Vì thế, 2 vấn đề mà chúng tôi tập trung giải quyết để tăng mạnh lợi nhuận từ Westfood là: đầu tư mở rộng công suất nhà máy, thông qua việc trực tiếp đầu tư máy móc, nhà xưởng, M&A các doanh nghiệp khác cùng ngành, phát triển vùng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu sản xuất và tăng tính chủ động trong kinh doanh. Việc tăng vốn như kế hoạch là để đáp ứng yêu cầu này.
Đối với mảng nông dược, đây là ngành nghề có thể phát triển mạnh trong tương lai, vốn là mảng hoạt động rất mạnh của TSC, nhưng trong thời gian qua, do một số yếu tố cả chủ quan lẫn khách quan, đã chưa được quan tâm đúng mức.
Để phát triển mảng này, M&A với các doanh nghiệp ngành nông dược để tăng quy mô hoạt động, đầu tư phát triển mảng phân phối và xúc tiến hợp tác với các tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ là những cơ sở quan trọng để Nông dược TSC duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong khoảng 5 năm tới.
Các mảng kinh doanh hạt giống, phân bón và gạo thì như đã nói ở trên, cũng có lộ trình cụ thể cho mục tiêu tăng trưởng giai đoạn tới. Với lộ trình như vậy, nhu cầu vốn của TSC sẽ rất lớn, con số 1.000 tỷ đồng không có gì là bất ngờ.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, 1.000 tỷ đồng hay con số nào khác không quan trọng, mà quan trọng là Công ty sẽ làm gì với số tiền đó, hiệu quả ra sao.