Khi tin đồn dập nát giá trị thực của doanh nghiệp
Và đối với giá cổ phiếu FIT, đại diện Ban lãnh đạo Công ty cho hay, thời gian vừa qua, có rất nhiều tin đồn liên quan đến F.I.T. “Các tin đồn ác ý xuất hiện, và nhanh chóng lan rộng khắp nơi. Thời gian gần đây, chúng tôi đã thực hiện ghi nhận phản hồi nhà đầu tư, và công bố thông tin phản hồi rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, để nhà đầu tư biết và không bị tác động”, ông Nguyễn Văn Sang, Chủ tịch HĐQT F.I.T nói.
Theo ông Sang, ngoài những tin đồn thiếu căn cứ, có nhiều thông tin viết dù dữ liệu không sai, nhưng cách đặt câu hỏi lại gây những hiểu lầm rất tai hại.
“Có nơi còn đặt câu hỏi khoản hợp tác đầu tư trị giá 200 tỷ đồng với cá nhân là khoản gì? Có an toàn không? Và các dùng lời lẽ với hàm ý nói rằng, liệu có phải Ban lãnh đạo F.I.T lấy tiền ra để làm việc này việc kia? Nhân đây tôi trả lời luôn, đó là những khoản hợp đồng hợp tác đầu tư, với lãi suất gấp đôi so với lãi gửi ngân hàng, trong đó khoản tài sản được đảm bảo có thanh khoản tốt, trị giá 600 tỷ đồng. Đây là việc bình thường, an toàn và mang lợi cho cổ đông, chứ không phải là điều gì mờ ám cả”, Chủ tịch HĐQT F.I.T nói.
Về vấn đề xuất hiện những giao dịch dòng tiền giữa công ty mẹ – con và xuất hiện các khoản vay bảo đảm bằng tiền gửi, ông Sang cho hay, đây là nỗ lực rất đáng được đánh giá cao của Ban điều hành. Theo đó, thay vì để tiền nhàn rỗi ngắn hạn, Ban lãnh đạo Công ty đã đàm phán với ngân hàng để được vay ra đúng bằng lãi suất tiền gửi. Do đó, tiền của Công ty được đưa vào gửi kỳ hạn dài hơn, với lãi suất tốt hơn, nhưng lại vẫn đảm bảo linh hoạt tiền cho nhu cầu vốn lưu động.
“Làm một việc mà cổ đông cả công ty mẹ và công ty con đều được lợi hơn thì tại sao lại không? Nhiều doanh nghiệp khác không làm được, nhưng ở F.I.T, các công ty này là công ty con, hệ thống lại có quy trình kiểm soát rủi ro tốt, nên đây là điều có lợi cho cổ đông, nên được khuyến khích mới đúng”, vị này nói.
Cũng theo ông Sang, nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài sau khi làm việc với F.I.T đã nhận xét rằng, giá cổ phiếu FIT thấp là do Công ty chưa làm tốt công tác truyền thông, nhất là truyền thông với nhà đầu tư nước ngoài.
“Chúng tôi hiểu đây là lỗi của mình. Vì thế, hiện nay F.I.T đang xây dựng lại chiến lược truyền thông để nhà đầu tư hiểu rõ hơn hoạt động của Công ty. Cổng thông tin của Công ty luôn mở, nhà đầu tư có bất kỳ thắc mắc nào, xin hãy gửi cho chúng tôi để nhận câu trả lời chính thống, không nên dựa theo tin đồn để ra quyết định”, ông Sang nhấn mạnh.
Cổ phiếu FIT trị giá bao nhiêu?
“Đa số nhà đầu tư chỉ quan tâm đến chỉ số EPS, P/E, thậm chí là đơn thuần giao dịch theo xu hướng thị trường, tác động bởi tâm lý, mà không định giá doanh nghiệp. Còn nhà đầu tư nước ngoài họ lựa chọn khác. Ngay như trường hợp Dược Hậu Giang, khi chúng tôi ngỏ ý muốn mua lại 20% vốn điều lệ từ quỹ, dù là nhà đầu tư tài chính, nhưng họ cũng muốn bán với mức giá bằng 13 lần EBITDA, chứ không phải giá thị trường. Đó là sự khác biệt về thị giá và giá công ty, mà trường hợp CTCK Kim Long những ngày gần đây là ví dụ”, ông Sang nhận xét như thế khi nói về giá trị F.I.T trong mối tương quan với giá.
Trao đổi với các cổ đông, đại diện F.I.T cho biết, từ khi F.I.T tiếp quản CTCP Dược phẩm Cửu Long, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này đã tăng mạnh so với giai đoạn trước đó. Riêng 3 tháng đầu năm nay, số liệu sơ bộ về lợi nhuận công ty con này ước khoảng 20 tỷ đồng, và năm nay, doanh thu, lợi nhuận chắc chắn sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh.
Điều đáng nói hơn, giá trị có thể bán đi của Dược Cửu Long cao hơn rất nhiều mức vốn hóa hơn 700 tỷ đồng hiện nay.
“Hiện tại, đã có đối tác nước ngoài tiếp cận chúng tôi, và đề xuất mua lại toàn bộ phần sở hữu của F.I.T tại Dược Cửu Long, với định giá bằng 15 lần EBITDA (thu nhập trước thuế, khấu hao, lãi vay). Với kết quả năm 2015 là 120 tỷ đồng, năm 2016 tối thiểu 150 tỷ đồng, thì định giá Dược Cửu Long mà đối tác muốn mua là gần 2.300 tỷ đồng. Và F.I.T sở hữu 60% Dược Cửu Long. Nếu chúng ta chấp nhận thanh lý khoản đầu tư này, thì số tiền mà F.I.T thu được là hơn 1.300 tỷ đồng”, ông Sang cho biết.
Tuy nhiên, theo F.I.T, dư địa tăng trưởng của Dược Cửu Long vẫn còn rất lớn, trong khi đây lại là một trong những ngành chiến lược nên Công ty sẽ không thực hiện bán. Thêm vào đó, Dược Cửu Long đang trong giai đoạn đàm phán một liên doanh, nên cơ hội tăng trưởng sẽ còn lớn hơn nữa. Chỉ khi quy mô hoạt động đã tăng mạnh, dư địa tăng trưởng bị thu hẹp lại, F.I.T mới tính đến việc kêu bán lại, và khi đó, định giá Dược Cửu Long sẽ cao hơn nhiều so với mức đối tác trả hiện nay.
Tương tự như Dược Cửu Long, một công ty con trực thuộc F.I.T là CTCP Nước khoáng Khánh Hòa (Vikoda), từ khi về hệ thống F.I.T cũng đã tăng trưởng rất mạnh. Với lợi thế là sở hữu nguồn nước khoáng duy nhất tại Việt Nam có độ pH từ 8,5 trở lên, Vikoda là doanh nghiệp được nhiều đối tác trong ngành nhòm ngó.
Và đối với lĩnh vực hàng tiêu dùng, định giá doanh nghiệp trong mua thâu tóm là từ 3-6 lần doanh thu, và thị trường đã chứng kiến nhiều thương vụ đình đám như: Diana bán cho Unicharm với giá bằng 4 lần doanh thu, Masan Group bán cổ phiếu Masan Consumer cho KRR với định giá Công ty khoảng 6 lần doanh thu hay ICP (với thương hiệu X-men) được bán cho Marico với giá xấp xỉ 3,5 lần doanh thu. Và như vậy, để mua lại Vikoda, đối tác sẽ phải trả mức giá không dưới 1.000 tỷ đồng nếu muốn sở hữu.
“Chúng tôi chủ trương sở hữu chi phối các doanh nghiệp, đây là điều các đối tác mong muốn khi tham gia thâu tóm. Do đó, để định giá F.I.T, chúng ta cần định giá các công ty con, và tính theo tỷ lệ sở hữu. Nếu thanh lý Công ty thời điểm này, giá trị của cổ phiếu FIT không dưới 25.000 đồng”, ông Sang nói và cho rằng, với định hướng phát triển hiện nay, giá trị cổ phiếu FIT trong vòng 3-5 năm tới sẽ ở mức 45-50.000 đồng.