Theo báo cáo của Chính phủ vừa được trình bày tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII, từ đầu năm đến nay, TTCK phục hồi chậm, nên Chính phủ đang thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh.
Tâm điểm chính sách trong năm nay, mà cả thị trường đang trông đợi là Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 58/2012 hướng dẫn Luật Chứng khoán. Định hướng xây dựng văn bản này đã được Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) công bố, trong đó có các nội dung cải cách lớn như: nới room cho NĐT nước ngoài tham gia TTCK Việt Nam; minh bạch và quản lý chặt hơn hoạt động phát hành chứng khoán tăng vốn đối với các DN; “cởi trói” cho quỹ đầu tư bất động sản ra đời…, được giới đầu tư kỳ vọng khi ban hành sẽ tạo bước đột phá cho TTCK.
Liên quan đến tiến độ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 58/2012, mà cả thị trường đang quan tâm, trao đổi với ĐTCK, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, dự thảo Nghị định đang được Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Tài chính, cơ quan chủ trì soạn thảo thực hiện các thủ tục, trình tự để báo cáo Chính phủ xem xét, ban hành…
Trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định quan trọng trên, định hướng nới room cho NĐT nước ngoài được nhà hoạch định chính sách nêu ra là sẽ tùy thuộc theo từng ngành, lĩnh vực, chứ không áp một mức cào bằng tương tự như quy định hiện hành. Định hướng là vậy, nhưng đến thời điểm này, việc mở room cho khối ngoại sẽ theo cách thức và tỷ lệ cụ thể nào, hiện vẫn là ẩn số lớn đối với thị trường, NĐT. Giới đầu tư đang rất trông đợi quan điểm thông thoáng của nhà hoạch định chính sách (là với những ngành nghề không thuộc lĩnh vực cấm kinh doanh, các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, Nhà nước không cần nắm cổ phần chi phối…, sẽ tạo thuận lợi tối đa cho NĐT nước ngoài đầu tư), được cụ thể hóa tại Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 58/2012.
Liên quan đến một chuyển động chính sách quan trọng nữa mà thị trường, NĐT trong và ngoài nước quan tâm, là tiến độ hoàn thiện khung pháp lý cho thành lập Sở GDCK Việt Nam đang ở giai đoạn nào, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết: “Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kèm theo Quyết định 252/2012 đã nêu rõ giải pháp tái cấu trúc mô hình tổ chức TTCK Việt Nam: tổ chức việc giao dịch chứng khoán theo hướng cả nước chỉ có 1 sở GDCK; phân định các khu vực thị trường: thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu và thị trường chứng khoán phái sinh; liên kết giữa Sở GDCK và Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) để gắn kết chặt chẽ hoạt động thanh toán, bù trừ và lưu ký chứng khoán với hoạt động giao dịch chứng khoán…
“Theo đó, dự thảo Đề án Thành lập Sở GDCK Việt Nam đang được Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng là căn cứ vào chiến lược nêu trên. Dự thảo Đề án đang được các cơ quan chức năng xem xét, hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định…”, ông Nên nói.
Việc thành lập Sở GDCK Việt Nam, theo các chuyên gia và thành viên thị trường, không chỉ giúp tiết kiệm chi phí cho xã hội, mà còn giúp hiện đại hóa tổ chức và hoạt động giao dịch, nâng cao vị thế của TTCK Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên, việc mới đây Chính phủ ban hành Nghị định 42/2015 về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh, có hiệu lực từ ngày 1/7 tới, cũng sẽ góp phần phát triển TTCK lành mạnh, theo chiều sâu.
Để chuẩn bị cho mở cửa TTCK phái sinh trong thời gian tới, UBCK đang chỉ đạo, phối hợp với Sở GDCK, VSD và các thành viên thị trường triển khai xây dựng hệ thống công nghệ giao dịch, thanh toán, bù trừ; đào tạo nhân sự; xây dựng hệ thống quy trình, quy chế, đảm bảo vận hành TTCK phái sinh hiệu quả trong thời gian tới.