Trường hợp CTCP Xây dựng số 3 (CT3), CTCP Công trình 6 (CT6), CTCP Công trình đường sắt (RCC), ba DN hoạt động xây dựng cơ bản của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam là một ví dụ.
Kể từ thời điểm 15/8/2014, khi Nghị định 63/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu có hiệu lực thì cả 3 công ty này không được tham gia đấu thầu các dự án sử dụng vốn ngân sách cũng như các dự án ODA của ngành đường sắt.
Lý do là vốn của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam ở các công ty này còn chiếm tỷ lệ trên 40%, trong khi tiêu chuẩn lựa chọn nhà thầu theo Nghị định 63 là “nhà thầu với chủ đầu tư, bên mời thầu không có cổ phần hoặc vốn góp trên 30% của nhau”. Trong khi các công ty này chủ yếu thi công các dự án trong ngành, chứ không tham gia lĩnh vực xây dựng dân dụng.
Tiêu chuẩn đánh giá nhà thầu trên thực chất được biết đến trước khi Nghị định 63 có hiệu lực, nhưng quá trình thoái vốn Nhà nước ở các DN, như DN thành viên của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam rất chậm, không kịp để các DN đáp ứng điều kiện của Nghị định.
Trước ngày Nghị định 63 có hiệu lực, ngày 3/8/2014, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt mới ký quyết định phê duyệt kế hoạch tiếp tục thoái vốn tại các DN có vốn góp của Tổng công ty giai đoạn 2014 – 2015, theo đó, thoái toàn bộ vốn góp tại 10 CTCP và giảm tỷ lệ sở hữu tại CT3, CT6 và RCC về dưới 30%. Gần một năm đã trôi qua, nhưng đến thời điểm này, nhiều DN vẫn chưa hoàn thành được việc bán phần vốn Nhà nước.
Ông Ngô Anh Tảo, Phó chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, tại ĐHCĐ của CT3, cho biết, sở dĩ quá trình bán vốn chậm là do ban đầu DN thành viên đề nghị bán hết vốn Nhà nước cho các bộ công nhân viên với giá bằng định giá, nhưng sau 2 lần xin ý kiến các bộ ngành thì vẫn yêu cầu Tổng công ty phải đấu giá công khai.
Trong điều kiện chưa thoái vốn được, các công ty xây dựng cơ bản như CT3 có vốn góp của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trên 30% phải tham gia đấu thầu qua một công ty khác, chẳng hạn như công ty có vốn góp của mình. Sau đó, công ty thứ ba ký hợp đồng giao lại cho công ty thành viên thực hiện. Việc “lách luật” này chắc chắn không thể kéo dài, nên việc thoái vốn Nhà nước đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Một tình huống khác là CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản miền Trung (Seaprodex Đà Nẵng) chịu ảnh hưởng nặng nề khi tỷ lệ vốn Nhà nước vẫn trên tỷ lệ chi phối (54,68%). Vào tháng 9/2014, Công ty bị Bộ Thương mại Mỹ (DOC) thông báo loại khỏi danh sách các công ty được hưởng thuế suất riêng rẽ trong đợt xem xét lần 9 (POR 9) ngay sau khi Việt Nam nhận được kết quả cuối cùng của POR 8 là 6,73%.
SPD đang tiếp tục kiến nghị với Tổng công ty Thủy sản Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc sớm giảm tỷ lệ vốn Nhà nước còn dưới mức chi phối để Công ty có cơ hội quay lại thị trường Mỹ, cải thiện lợi nhuận ở mức khiêm tốn hiện nay.