“Hôm tổng kết dự án, vị chuyên gia người Mỹ chân thành chia sẻ: “Lúc mới được thuê làm dự án này, tôi nghĩ ông khùng”, ông Nguyễn Vũ Lộc, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chế biến xuất khẩu thực phẩm miền Tây (Westfood) vui vẻ kể về con đường đưa giống dứa mới của Mỹ về Việt Nam.
Hành trình tìm bài toán cho nông sản Việt.
Trong câu chuyện với Đầu tư Chứng khoán, ông Lộc kể rằng, trước kia, ông chưa từng nghĩ sẽ gắn bó với lĩnh vực nông nghiệp, chế biến thực phẩm cho đến khi ông được mời tham gia tái cơ cấu Westfood, doanh nghiệp chuyên sản xuất rau quả đóng hộp và cấp đông IQF, ở mảng bán hàng vào ba năm trước. Là người có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực xuất khẩu, ông Lộc tham gia Westfood với chức danh ban đầu là Giám đốc kinh doanh.
Cảm nhận đầu tiên của ông Lộc về Westfood khá tích cực khi ông tiếp xúc với nhiều khách hàng của Công ty và được nghe những phản hồi tốt về chất lượng sản phẩm; kết quả kinh doanh của Công ty tăng trưởng khá cao, ổn định. Nhưng đến khi tham gia Hội chợ Nông nghiệp – thực phẩm SIAL tại Pháp vào tháng 10/2014 thì ông không khỏi sốc khi “trông người mà ngẫm đến ta”.
Là đất nước nông nghiệp, sở hữu nhiều lợi thế về quỹ đất, khí hậu…, hàng nông sản của Việt Nam khó cạnh tranh tại các sân chơi thực sự lớn do kém độ đồng đều về chất lượng và giá thành sản phẩm cao. Đáng buồn là, nông sản của ta không chỉ thua kém những nước hàng đầu như Mỹ, Úc, mà còn kém cạnh tranh khi so với sản phẩm từ các nước trong khu vực.
“Lúc ấy, tôi cảm thấy lòng tự tôn dân tộc bị tổn thương nặng nề”, ông Lộc trầm ngâm chia sẻ.
Ông Nguyễn Vũ Lộc và chuyên gia trồng dứa người Mỹ tại cánh đống dứa của hãng giống Dole
Sau chuyến đi đó, dù hoạt động của Công ty vẫn tốt, cầu khách hàng luôn lớn hơn khả năng sản xuất, nhưng ông Lộc không cho phép mình hài lòng với những gì đạt được. “Sau một thời gian gặp gỡ trực tiếp khách hàng và tìm hiểu công nghệ, tôi hiểu rằng có hai vấn đề lớn mà nếu không giải quyết được thì 100 năm nữa nông nghiệp Việt Nam cũng không tiến kịp Thái Lan hay Philippines. Hai vấn đề cốt tử đó là thiếu sản xuất công nghiệp trong canh tác và giống”, ông nói.
Ông Lộc phân tích, tình trạng đất nông nghiệp chia theo từng hộ gia đình, phân tán, manh mún như hiện nay dẫn đến việc không thể áp dụng mô hình sản xuất lớn, đưa công nghệ cao vào trong canh tác, trồng trọt. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy như chất lượng nguyên liệu không đồng đều, năng suất thấp, bấp bênh cả về giá lẫn vùng nguyên liệu, do người nông dân thường có tâm lý trồng rồi chặt, trồng rồi chặt sau khi được mùa – rớt giá.
“Chính vì thực tế đó mà chúng tôi không dám nhận các đơn hàng của các hãng lớn nhất trên thế giới, vì nhận xong rồi mà không đảm bảo được cả khả năng sản xuất, yếu tố giá và đồng đều chất lượng thì coi như tự mình bít luôn cánh cửa với khách hàng đó”, ông Lộc kể lại.
Các khách hàng lớn như nhà bán lẻ hàng đầu thế giới Walmart là nỗi thèm khát của các nhà sản xuất, khi mỗi đơn hàng thường có số lượng lên tới hàng triệu sản phẩm, nhưng bởi nguồn nguyên liệu của Việt Nam quá bấp bênh, Westfood đành ngậm ngùi bỏ qua.
Công nghệ canh tác lạc hậu và giống – một trong ba yếu tố quan trọng nhất để đảm bảo thành công của trồng trọt như đúc kết của ông bà ta – cũng chẳng khá khẩm hơn. Ông Lộc bảo, trong khi thế giới đã tiến xa về công nghệ giống, với việc phát triển được nhiều loại giống cây trồng mới cho chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, năng suất cao và có khả năng chống chịu được sâu bệnh và sự khắc nghiệt của thời tiết, thì Việt Nam bao năm vẫn dùng một số loại giống cũ, dẫn đến hiệu quả và chất lượng sản phẩm không cao.
“Khi đó, tôi tâm niệm, nếu giờ mình đầu tư công nghệ trồng trọt, mà không có giống tốt, thì cũng không thể làm nên chuyện lớn”, ông Lộc kể lại.
Dứa, loại trái cây nhiệt đới được người dân các nước phương Tây đặc biệt ưa chuộng, là sản phẩm đầu vào của rất nhiều dòng sản phẩm của Westfood, cũng là sản phẩm biến động nhiều nhất về giá và nguồn nguồn nguyên liệu đầu vào qua từng vụ được ông Lộc bắt tay vào giải bài toán vùng nguyên liệu đầu tiên.
“Tôi một mình sang Mỹ, vào tận thủ phủ của Dole, Công ty số 1 thế giới trong lĩnh vực nông sản, đặc biệt là dứa, bao gồm cả việc cung cấp giống, kỹ thuật và tổ chức canh tác, kinh doanh chế biến sản phẩm từ dứa để học tập về công nghệ cũng như tìm lời giải về giống. Trước kia, họ đã từng hợp tác với một doanh nghiệp Việt Nam nhằm mục đích đưa giống dứa mới về trồng trong nước nhưng thất bại, vì vậy họ có phần nghi ngờ vào đề án của tôi, nhưng tôi vẫn quyết tâm đầu tư để làm. Nhìn cánh đồng dứa bạt ngàn không một bóng người của họ, với những trái dứa to, ngon, tôi tự nhủ, một ngày nào đó, Việt Nam mình cũng phải làm được”, ông nói.
Và vùng trồng thử nghiệm 4 hec-ta giống dứa MD2 của Westfood bắt đầu như thế. Ông Lộc đã nhập giống, nhập công nghệ, thuê chuyên gia nước ngoài về Westfood làm việc, với hy vọng tạo nên màu sắc mới trong bức tranh nông nghiệp Việt.
Sau 15 tháng triển khai thử nghiệm, cánh đồng trồng dứa của Westfood đã cho trái ngọt
Những thành tựu ngoài mong đợi
Đầu tháng 12 này, sau 15 tháng kể từ khi vùng nguyên liệu dứa thí điểm được thực hiện, công sức của ông Lộc và các cộng sự tại Westfood đã được đền đáp. Dứa ra trái đều, quả kích thước lớn, vị ngọt đậm, ruột vàng, thơm, vỏ mỏng, năng suất gấp hơn 2 lần so với trồng dứa theo công nghệ và giống cũ.
Giải thích về lý do chọn MD2 về thí nghiệm, ông Lộc cho biết, trên thế giới hiện nay có 3 nhóm giống dứa là Queen, Cayene, và MD2. Queen là giống dứa Việt Nam trồng nhiều từ ngày xưa, có ưu điểm là cho quả có độ ngọt cao, ruột vàng, thơm, nhưng nhược điểm là trái rất nhỏ, số cây trên mỗi héc-ta chỉ trồng được khoảng 40.000 – 45.000 cây do tán cây xòe rộng. Thêm vào đó, cấu tạo của quả dứa Queen không phù hợp với sản xuất công nghiệp. Cayene thì cho trái lớn, phù hợp để sản xuất công nghiệp, nhưng nhược điểm là độ ngọt thấp, nhạt màu, kém thơm. Trong khi đó, MD2 tích hợp được ưu điểm của cả hai loại giống này.
“Với việc áp dụng công nghệ mới, sản phẩm thành phẩm của Westfood sẽ giảm được khoảng 30% giá thành so với trước kia. Trong khi đó, độ ngọt vượt trội giúp sản phẩm bán được với giá cao hơn so với sản phẩm cũ”, ông Lộc hào hứng chia sẻ, với thử nghiệm thành công này, trong năm 2017, Công ty sẽ đầu tư từ 50 – 100 héc-ta dứa MD2, phấn đấu 3 năm tới sẽ tự chủ 100% vùng nguyên liệu cho nhà máy.
Điều làm ông vui hơn nữa là, với đặc thù thổ nhưỡng, khí hậu của khu vực vùng nguyên liệu mà Westfood đang làm vượt trội hơn hẳn các nước trong khu vực như Thái Lan, Philippines. Thay vì phải mất 18 tháng chăm sóc kể từ khi trồng mới cho thu hoạch lần đầu, Westfood chỉ mất 15 tháng kể từ khi trồng đến khi thu hoạch, giúp giảm đáng kể chi phí chăm sóc cũng như thời gian thu hồi vốn.
“Chúng tôi hiện có một nhà máy với công suất đáp ứng khoảng 500 héc-ta dứa một năm. Trong thời gian tới, Công ty dự kiến đầu tư thêm một nhà máy mới tại Hậu Giang có công suất gấp 3 lần nhà máy hiện tại. Với việc chủ động về nguyên liệu và giá thành hạ, tôi tin Westfood sẽ đáp ứng được tốt hơn nhu cầu của khách hàng và tự tin hợp tác với các khách hàng lớn trên thế giới”, ông Lộc tự tin nói.
Khát vọng mang tên doanh nghiệp Việt
Năm 2016, diễn biến thời tiết bất lợi gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của Westfood. Đầu vào bị hạn chế, nguyên liệu bị tăng giá khiến giá thành sản phẩm bị cao hơn khiến Công ty thêm quyết tâm đầu tư vùng nguyên liệu mới.
“Chúng tôi hiểu rằng, nếu không có vùng nguyên liệu, không cải tiến về mặt công nghệ, giống, nông sản Việt Nam sẽ mãi không thể có vị thế lớn trên thị trường quốc tế, dù chúng ta là quốc gia có phần lớn người dân làm nông nghiệp”, ông Lộc trăn trở.
Đầu tư một nhà máy chế biến lớn, hiện đại không khó, nhưng để có vùng nguyên liệu đảm bảo yêu cầu hoạt động ổn định, giá thành cạnh tranh thì lại là câu chuyện khác, khi yêu cầu vốn rất lớn và khó triển khai vì yếu tố sở hữu đất nông nghiệp bị chia nhỏ.
Theo tính toán của ông, chỉ tính riêng nhu cầu nguyên liệu của Westfood, để tự chủ hoàn toàn vùng nguyên liệu cho kế hoạch kinh doanh 5 năm tới, nhu cầu vốn đầu tư sẽ phải lên tới cả nghìn tỷ đồng. Và như thế, tính trên bình diện quốc gia, muốn xây dựng một nền nông nghiệp quốc gia có sức cạnh tranh, nhu cầu vốn sẽ còn lớn hơn nhiều, nhưng nếu không làm, Việt Nam có thể sẽ bị đánh bại trên chính sân nhà. Ngược lại, làm tốt công tác vùng nguyên liệu, ông Lộc tin rằng, nông sản Việt Nam sẽ sớm có được vị thế xứng đáng hơn trên trường quốc tế.
Trong khát vọng của mình, ông mơ một ngành nông sản Việt đủ tự tin sánh vai với các sản phẩm nông nghiệp khác trên thế giới, tại những sân chơi thật sự lớn.
Theo Đầu tư chứng khoán