(Dân trí) – Với 1 ha đất trồng khóm (dứa) Mỹ, nông dân huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang có thể kiếm được 100 triệu đồng/vụ. Mức lợi nhuận này cao gấp 2-3 lần so với trồng mía.
Được mệnh danh là thủ phủ mía của miền Tây thế nhưng trước sức ép của “cơn bão giá” và dịch bệnh, giá mía liên tục lao dốc, nhà vườn làm lụng quanh năm mà tiền thu về chẳng đủ phân, thuốc cho cây.
Những năm gần đây, người dân huyện Phụng Hiệp đã có sự chuyển mình, bà con dần phá thế độc canh cây mía chuyển sang canh tác một số loại nông sản khác như chuối, mít thái, khóm.
Điển hình phải kể đến mô hình trồng khóm MD2 (còn gọi là khóm Mỹ) được công ty bao tiêu đã giúp bà con phấn khởi vì lợi nhuận và đầu ra sản phẩm ổn định.
Khóm MD2 hay còn gọi là khóm Mỹ đang được nông dân ở huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang chuyển đổi cơ cấu cây trồng (Ảnh: Bảo Kỳ).
Khóm MD2 là loại cây sinh trưởng khỏe, chịu hạn tốt. Do có vỏ mỏng, nhiều nước, thịt giòn, màu vàng tươi, ít xơ và ít rát lưỡi, hương vị thơm ngon nên thứ quả này rất phù hợp dùng cho cả việc ăn tươi và chế biến. Đặc biệt, khóm MD2 trái rất to, trung bình trái nặng từ 1,5 đến hơn 2 kg.
Khóm MD2 trái rất to, trọng lượng trung bình đạt từ 1,5 đến hơn 2 kg. Loại khóm này khi chín vỏ mỏng, nhiều nước, thịt giòn, màu vàng tươi, ít xơ và rát lưỡi (Ảnh: Bảo Kỳ).
Ông Lâm Văn Lam (ngụ tại ấp Phương Thạnh, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp) cho biết, ông gắn bó với cây mía hơn 20 năm, số lần trúng thì ít mà huề vốn còn những mùa lỗ lã thì không đếm hết. Khi thấy một số hộ ở địa phương bỏ mía sang cây khóm, cho hiệu quả kinh tế, ông Lam cũng mạnh dạn trồng thử 2ha khóm MD2.
“Đây là vùng đất phèn nhưng giống khóm này phát triển rất tốt. Vụ đầu trồng khoảng 18 tháng mới thu hoạch nhưng các vụ kế tiếp chỉ mất khoảng 12 tháng. Bình quân 1ha đất tôi có thể trồng được 60.000 cây khóm, nếu trọng lượng từ 2 kg/trái, năng suất sẽ đạt từ 120 tấn”, ông Lam nói thêm.
Ông Lâm Văn Lam (ngụ tại xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp) chuyển 2,5 ha đất trồng mía và chuối sang trồng khóm, hiệu quả rất khả quan (Ảnh: Bảo Kỳ).
Theo ông Lam, từ con giống đến kỹ thuật canh tác, phân thuốc đều được trồng theo quy trình do công ty đưa xuống. Ban đầu, công ty sẽ đưa giống và vật tư cho nông dân, đến khi thu hoạch thì khấu trừ lại. Vụ đầu tiên, bà con có thể lãi ít hoặc huề vốn nhưng những vụ kế chắc chắn lợi nhuận sẽ tốt hơn.
“Hiện công ty bao tiêu khóm cho nông dân với mức 5.500 đồng/kg trái và 2.000 đồng/chồi giống. Tiền phân, thuốc mỗi vụ chỉ tốn khoảng 15-20 triệu đồng. Bình quân 1ha trồng khóm tôi lãi được khoảng 100 triệu đồng, cao gấp 2 hoặc 3 lần so với cây mía”, ông Lam phấn khởi nói.
Nông dân thu hoạch khóm MD2 (Ảnh: Bảo Kỳ).
Cách ruộng khóm của ông Lam chừng 100 m, ruộng khóm của lão nông Võ Văn Vũ đang nhộn nhịp cảnh thu hoạch, vận chuyển. Được biết đây là vụ thu hoạch đầu tiên từ lúc ông Vũ bỏ hẳn 1,5 ha mía chuyển sang sản xuất khóm. Sau thời gian dài khốn đốn vì cây mía, giờ đây, lão nông U60 đã nở nụ cười rạng ngời nhờ “vị ngọt” từ cây khóm.
“Thấy bà con trong ấp trồng khóm có hiệu quả nên tôi cũng đầu tư theo. Thời gian đầu cực lắm, phải bón phân, tưới nước, dọn cỏ thường xuyên nhưng khi cây lớn thì khỏe hơn nhiều. Nhà vườn thu hoạch trái đến đâu, doanh nghiệp bao tiêu đến đó nên bà con yên tâm lắm. Ước tính vụ này tôi có thể đút túi hơn 100 triệu đồng”, ông Vũ cho hay.
Ông Võ Văn Vũ phấn khởi vì mỗi ha khóm ông lãi được cả trăm triệu đồng, cao gấp 2 lần so với cây mía trước kia (Ảnh: Bảo Kỳ).
Hiện bà con trồng khóm ở huyện Phụng Hiệp đang rất yên tâm vì đầu ra sản phẩm đã được công ty bao tiêu (Ảnh: Bảo Kỳ).
Với hiệu quả bước đầu, hiện nay, huyện Phụng Hiệp tiếp tục mở rộng diện tích khóm MD2 ở những khu vực sản xuất mía kém hiệu quả.
Ông Trần Văn Tuấn – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp cho biết, hiện toàn huyện có 120 ha đất trồng khóm MD2.
“Cứ đầu vụ, công ty sẽ họp dân và thông báo giá cho bà con, giá này không thay đổi trong cả vụ đó. Đến vụ kế tiếp, công ty sẽ thay đổi mức giá khác phù hợp với biến động thị trường. Với việc được bao tiêu trọn gói như hiện nay, người trồng khóm có thể thu lợi nhuận gấp 2-3 lần so với trồng mía”, ông Tuấn nói thêm.
Nông dân vận chuyển khóm lên bờ đợi ghe của công ty vào thu gom (Ảnh: Bảo Kỳ).