Bảy năm sau, hình ảnh một công ty FIT bé nhỏ với vốn điều lệ 300 tỷ đồng nay đã được thay thế bởi một tập đoàn hoạt động đa ngành với vốn chủ sở hữu hơn 4.000 tỷ đồng. Các mảng hoạt động của các công ty con và công ty thành viên của FIT đa dạng nhưng tập trung vào thế mạnh của nền kinh tế Việt Nam, với những thương hiệu và sản phẩm đã có truyền thống và chỗ đứng trên thị trường.
Chẳng hạn, trong lĩnh vực dược phẩm là Dược Cửu Long – một tên tuổi lớn truyền thống trong ngành và luôn trong nhóm dẫn đầu về sản xuất viên nang, hay Thiết bị Y tế Benovas – một công ty liên doanh mới định hướng vào thiết bị y tế công nghệ cao. Trong lĩnh vực thực phẩm là một Westfood với các sản phẩm đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường Mỹ, Nhật, châu Âu. Hoặc trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh là một thương hiệu nước khoáng Ðảnh Thạnh với độ pH cao hiếm có tại Việt Nam có thể giúp người uống hạn chế khả năng bị ung thư do tác dụng trung hòa axit, đặc biệt với những người hay uống rượu bia. Ðó là chưa kể tới lĩnh vực nông nghiệp với Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Cần Thơ và lĩnh vực bất động sản với dự án bất động sản nghỉ dưỡng Mũi Dinh Padaran mới được nhận giải thưởng Cityscape rất uy tín trong ngành.
Sự chuyển mình của FIT không phải là một quá trình chỉ toàn màu hồng. Bảy năm kể từ khi niêm yết có thể được chia ra làm hai giai đoạn chiến lược. Từ 2013 đến 2017 là giai đoạn FIT tập trung vào hiện thực hóa giấc mơ trở thành một tập đoàn đa ngành thông qua các hoạt động thâu tóm. Mặc dù Ban lãnh đạo FIT thực sự đã thâu tóm được những tài sản tốt, nhưng việc tiếp nhận và quản lý sau thâu tóm lại không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Những tài sản tốt như Dược Cửu Long, Nông dược TSC, Vikoda hay Euvipharm đứng trước nguy cơ trở thành gánh nặng do các hoạt động kinh doanh không diễn ra suôn sẻ như kỳ vọng.
Trong tình huống đó, FIT đã hoàn toàn có thể lựa chọn một chiến lược đơn giản mà phần lớn các doanh nghiệp khác sẽ làm – đó là tìm giải pháp đẩy mạnh kinh doanh dựa trên những nền tảng sẵn có. Nhưng lãnh đạo FIT đã lựa chọn một con đường khó hơn, chông gai hơn – đó là tái cấu trúc lại toàn bộ hoạt động của các mảng kinh doanh. Sự lựa chọn đó đánh dấu giai đoạn hai của thời kỳ sau niêm yết, bắt đầu từ năm 2018, mà trong các bản tin thường kỳ gửi tới các nhà đầu tư sau đó, lãnh đạo Tập đoàn đã dùng những cụm từ như “tái cấu trúc”, “tái cơ cấu”, “tập trung vào hiệu quả hoạt động”… như là một kim chỉ nam hoạt động trong giai đoạn này.
Với mục tiêu phát triển hiệu quả và bền vững, quá trình tái cấu trúc toàn diện của FIT bắt đầu bằng việc loại bỏ các tài sản hoạt động không hiệu quả và sắp xếp lại các tài sản hoạt động hiệu quả dựa trên nguyên tắc giá trị cộng hưởng của cả Tập đoàn, đồng thời đầu tư vào công nghệ mới, tài sản mới phù hợp. Một ví dụ điển hình của quá trình này là việc thoái vốn tại Công ty Euvipharm, một công ty trực thuộc Dược Cửu Long, vào cuối năm 2019 cho một đối tác Hàn Quốc mặc dù công ty này được mua trong giai đoạn mở rộng thông qua thâu tóm. Việc bán Euvipharm có lãi đã chứng minh tài sản trong quá trình thâu tóm là những tài sản tốt, đồng thời giúp Tập đoàn có thêm nguồn lực tài chính để xây mới, mở rộng nhà máy sản xuất viên nang số 3 và số 4 vốn là thế mạnh của Dược Cửu Long, đầu tư vào nhà máy thiết bị y tế công nghệ cao chuẩn GMP và đầu tư máy móc thiết bị mới cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D).
Quá trình tái cấu trúc cũng chứng kiến những thay đổi về tầm nhìn chiến lược trong hoạt động của các mảng kinh doanh. Chẳng hạn với Westfood, nhận thức rõ tầm quan trọng của nguồn nguyên liệu, Tập đoàn đã định hướng phát triển nguồn nguyên liệu như là một mắt xích trong chuỗi hoạt động của Công ty, đồng thời đầu tư nghiên cứu phát triển thử nghiệm các giống nông sản mới, ví dụ giống dứa mới MD2 để nâng cao tính chủ động về nguồn nguyên liệu. Hoặc như với Vikoda, Tập đoàn đã định hướng cắt bỏ các dòng sản phẩm mang lại biên lợi nhuận thấp, tập trung vào các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Do đặc thù của dòng sản phẩm, ngoài việc đầu tư công nghệ và thiết bị hiện đại để khai thác nguồn nước khoáng sạch, sự tập trung vào thay đổi thói quen người tiêu dùng theo hướng bảo vệ môi trường bằng các chai nước khoáng thủy tinh thay vì chai nhựa không những tạo ra cho Vikoda những thị trường mới cao cấp mà còn là một minh chứng cho triết lý hoạt động kinh doanh với trách nhiệm xã hội của Tập đoàn.
Kết quả
Có thể liệt kê thêm rất nhiều khía cạnh trong quá trình tái cấu trúc của FIT và quá trình ấy vẫn đang tiếp diễn. Nhưng có lẽ rất nhiều cũng sẽ là quá ít nếu như quá trình đó không mang lại giá trị cho cổ đông. Năm 2018 chứng kiến một kết quả kinh doanh kém chưa từng thấy khi lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh chỉ đạt hơn 6 tỷ đồng và lỗ sau thuế hơn 9,3 tỷ đồng. Ðó thực sự là một cú sốc với giới đầu tư bởi trước đó, hàng năm, con số cho những chỉ tiêu đó đều tính bằng trăm tỷ đồng.
Hiểu rằng mọi giải thích sẽ trở thành vô nghĩa nếu việc tái cấu trúc không mang lại hiệu quả, lãnh đạo Tập đoàn và các công ty thành viên quyết tâm tập trung vào hành động, nâng hiệu quả kinh doanh để biến giấc mơ về một tập đoàn đa ngành phát triển hiệu quả và bền vững trở thành hiện thực, thể hiện cam kết của FIT với cổ đông về một tập đoàn giá trị hơn sau tái cơ cấu.
Năm 2019, gần 2 năm sau quá trình tái cơ cấu, kết quả kinh doanh của Tập đoàn đang dần trở lên rõ nét theo những gì đã được kế hoạch và kỳ vọng. Mặc dù doanh thu thuần giảm so với các năm trước do kế hoạch chủ động giảm kinh doanh các sản phẩm có biên lợi nhuận thấp của Tập đoàn, điều quan trọng là các chỉ tiêu phản ánh hiệu quả kinh doanh đã được cải thiện so với thời kỳ trước tái cơ cấu. Kết thúc năm tài chính 2019, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 110 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 92 tỷ đồng. Cho dù những con số này chỉ là bước đầu, nếu so với kết quả thấp đỉnh điểm của năm tái cơ cấu 2018 thì đó thực sự là một chuyển mình bứt phá, khẳng định rằng chiến lược tái cơ cấu của Tập đoàn không chỉ được nhìn thấy bằng các hoạt động, mà còn bằng kết quả tài chính.
Những kết quả của quá trình tái cơ cấu lại càng trở nên có giá trị hơn khi xu hướng cải thiện được nhìn thấy đồng nhất ở hầu hết các mảng hoạt động. Ví dụ, trong lĩnh vực dược phẩm, Dược Cửu Long có sự tăng trưởng lợi nhuận tới 585% so với năm 2018. Trong lĩnh vực thực phẩm, Westfood tăng trưởng lợi nhuận 40%, hay trong lĩnh vực tiêu dùng nhanh, Vikoda từ chỗ gần như không có lãi các năm trước đó đã ghi nhận đạt được lợi nhuận hơn 20 tỷ đồng năm 2019, tăng 69,8 lần so với năm 2018. Trong lĩnh vực nông nghiệp, Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Cần Thơ đã bắt đầu có lãi sau hai năm liên tục thua lỗ.
Tương lai
Mặc dù các kết quả ban đầu của quá trình tái cơ cấu rất hứa hẹn, lãnh đạo Tập đoàn và các công ty thành viên không chủ quan. Trong kỳ đại hội cổ đông vừa qua, các kế hoạch chiến lược mới đã được thông qua với mục tiêu tiếp tục hoàn thiện quá trình tái cơ cấu. Tập đoàn đặt kế hoạch doanh thu thuần tăng 16% so với năm 2019 và lợi nhuận trước thuế tăng 43%. Tập đoàn cũng đặt ra mục tiêu tìm và lựa chọn các nhà đầu tư nhằm phát triển kinh doanh tại các mảng nhiều tiềm năng như dược phẩm (tăng vốn 25% cho Dược Cửu Long), tiêu dùng nhanh (tăng vốn 35% cho Vikoda) và thực phẩm (tăng vốn 35% cho Westfood).
Với những ngành hàng cơ bản đa dạng, phù hợp với lợi thế của nền kinh tế, sẽ không ngạc nhiên nếu tại các thị trường phát triển, FIT được coi như một tập đoàn đáng giá tỷ đô. Nhưng với thị trường như Việt Nam, đó là điều mà Tập đoàn đang hướng tới và xây dựng. Tạo dựng niềm tin trong giới đầu tư, với Tập đoàn, cũng quan trọng như quá trình tái cấu trúc hoạt động. Dù trong hoàn cảnh nào, Tập đoàn cũng luôn giữ và bảo vệ giá trị cốt lõi của mình: đầu tư hiệu quả, gia tăng giá trị cho cổ đông, thông qua chuỗi sản phẩm tư vấn đầu tư đa dạng, danh mục đầu tư chất lượng và nhân sự chuyên nghiệp.
Quách Mạnh Hào