(TBKTSG) – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đang xây dựng nghị định với nhiều chính sách riêng, đặc thù nhằm thu hút mạnh mẽ hơn nữa nguồn lực từ các doanh nghiệp nước ngoài (FDI) đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Chuyện xưa kể lại
Hơn một năm trước, trong buổi hội thảo về tìm giải pháp thu hút FDI vào nông nghiệp, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh đã kể một câu chuyện khiến nhiều người suy ngẫm. Chẳng là có doanh nghiệp Ấn Độ đầu tư nhà máy đường ở Việt Nam, than phiền rằng họ phải ứng trước giống, phân bón cho nông dân nhưng khi đến vụ thu hoạch, có thương lái nào đó nâng giá mua cao hơn là nông dân lại bán mía cho thương lái đó.
Doanh nghiệp này sau đó cũng phải ngậm ngùi cho qua vì những người này không có tư cách pháp nhân, nên họ không thể kiện tụng hàng trăm nông dân như vậy được.
Sau hơn một năm, câu chuyện này dường như vẫn chưa được giải quyết. Tại một hội thảo tham vấn chính sách thu hút FDI vào nông nghiệp diễn ra đầu tuần này, ông Vũ Quốc Tuấn, Trưởng phòng truyền thông và đối ngoại của Nestlé Việt Nam, một luật sư có thời gian khá dài làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, kể doanh nghiệp FDI khi đầu tư vào nông nghiệp gặp khó khăn lớn nhất là gom quỹ đất đủ lớn. Nhưng việc đền bù, giải tỏa, lập dự án trong nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, vướng không chỉ ở Luật Đầu tư mà còn Luật Đất đai và nhiều quy định phức tạp khác.
Cho nên, nếu không gom đủ đất, giải pháp mà doanh nghiệp FDI chọn là liên kết hợp đồng với nông dân. Nhưng giải pháp này, nhiều lúc cũng khiến doanh nghiệp “sợ” vì đã đầu tư số tiền không nhỏ cho nông dân nhưng nông dân thường xuyên “bẻ kèo” khi được trả giá cao hơn.
“Vậy đầu tư vào đâu?”, ông Tuấn đặt câu hỏi và tự trả lời, doanh nghiệp FDI thường “né” chuyện đất đai và liên kết với nông dân bằng hình thức đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) sử dụng ít đất, cho năng suất cao hơn. Song, tới nay vẫn chưa có doanh nghiệp FDI nào được ưu đãi thuế trong đầu tư NNCNC cả. Và theo ông Tuấn, đây là lý do mà nhiều doanh nghiệp FDI “ngán” đầu tư vào nông nghiệp.
Cũng tại buổi tham vấn nói trên, đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), cho hay các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào nông nghiệp đều cho rằng những hỗ trợ ban đầu khi doanh nghiệp FDI bắt đầu thực hiện dự án là rất cần thiết, ví dụ như giảm tiền thuê đất từ 5-7 năm đầu tiên, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc miễn thuế nhập khẩu máy móc…
Vị đại diện JICA lấy ví dụ, ban đầu doanh nghiệp sẽ phải nhập khẩu số lượng máy móc, trang thiết bị rất lớn, vì vậy, thuế nhập khẩu cao sẽ là một cản trở đối với họ. Bên cạnh đó, nhiều khi doanh nghiệp phải nhập cả những nguyên vật liệu như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tiên tiến nhưng cũng vì “quá tiên tiến” nên nhiều khi những loại nguyên liệu này chưa được đăng ký và lưu hành ở Việt Nam.
“Quy trình thủ tục đăng ký, khảo nghiệm để một chất có thể lưu hành ở Việt Nam tốn nhiều thời gian và công sức. Đây thực sự là rủi ro cho doanh nghiệp khi đầu tư vào lĩnh vực này”, vị đại diện JICA nhấn mạnh.
Cùng chung quan điểm, bà Trần Thanh Phượng, Giám đốc bộ phận kỹ thuật và đăng ký, Công ty TNHH Bayer Việt Nam, cho hay Bayer thường phải mất từ 3-5 năm để khảo nghiệm, thử nghiệm một công nghệ, kỹ thuật mới. “Trong khi khoa học kỹ thuật tiến bộ từng ngày, nếu quy trình thủ tục rườm rà như vậy thì công nghệ sau khi được phép lưu hành đã lỗi thời. Như vậy, quy trình này vừa hại cho doanh nghiệp, vừa hại cho nông dân”, bà Phượng nói.
Ở một khía cạnh khác, ông Flavio Corsin, Giám đốc của IDH Sustainable Trade Việt Nam, một tổ chức chuyên phát triển các chương trình trồng trọt, cho biết một trong những nguyên nhân mà doanh nghiệp FDI vẫn chưa mặn mà đầu tư vào nông nghiệp là họ vẫn chưa được đối xử công bằng như các doanh nghiệp trong nước. Ví dụ riêng đối với ngành cà phê, doanh nghiệp FDI không thể mua cà phê trực tiếp từ nông dân mà phải mua qua các đại lý. Ngoài ra, họ vẫn chưa được tham gia vào các hiệp hội ngành hàng để góp tiếng nói trong các vấn đề chính sách như các doanh nghiệp trong nước.
Tạo sân chơi bình đẳng
Bộ NN&PTNT đang xây dựng nghị định về các chính sách khuyến khích FDI vào nông nghiệp, nông thôn dự kiến sẽ hoàn tất và lấy ý kiến các đơn vị liên quan vào quí 3 năm nay. Thực tế, những năm qua, tỷ lệ đầu tư FDI vào lĩnh vực nông nghiệp rất thấp, chỉ hơn 1% tổng FDI đầu tư vào Việt Nam và tỷ lệ này chưa có chiều hướng cải thiện.
Luật sư Phạm Mạnh Dũng, Hãng luật Rajah&Tann LCT Lawyers, người trực tiếp tham gia quá trình soạn thảo nghị định cho hay, các chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp chủ yếu áp dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, và nông dân trong nước mà không áp dụng cho các dự án FDI. Có chăng, theo ông Dũng, những chính sách ưu đãi doanh nghiệp FDI trong nông nghiệp nằm lẩn khuất bên trong các chính sách chung. Vì vậy, nghị định này được soạn thảo với nguyên tắc chung nhất là ưu đãi không phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước trong việc tiếp cận nguyên liệu, tài nguyên…
Còn ông Vũ Quốc Tuấn cho rằng dự thảo nên làm rõ như thế nào là NNCNC và đầu tư NNCNC được miễn thuế như thế nào. “Nên chăng đưa ra tiêu chí về năng suất và chất lượng nông sản tạo ra trên số lượng đất và tài nguyên sử dụng. Thực tế, nếu đưa giống mới, quy trình mới mà mất vài năm khảo nghiệm thì công nghệ thế giới đã tiến rất xa rồi. Như vậy, không biết đến lúc nào chúng ta mới có được NNCNC?”, ông Tuấn nói.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Phúc Trai, Giám đốc ngành hàng nông sản, Pepsico khu vực châu Á – Thái Bình Dương, gợi ý dự thảo nên quy định những nguyên liệu gì trên thế giới đã dùng và được khẳng định kết quả tốt thì nên được lưu hành ở Việt Nam. Hoặc nên có chính sách thoáng hơn để doanh nghiệp “dùng tạm” trong khi chất đó được đăng ký lưu hành theo quy định.
Đại diện cho Bộ NN&PTNT trả lời những thắc mắc của doanh nghiệp, ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho hay về đất đai, Bộ NN&PTNT đang rà soát lại các nông lâm trường quốc doanh để xem họ làm ăn hiệu quả hay không, nếu không hiệu quả thì sẽ tạo điều kiện cho họ liên doanh, liên kết với doanh nghiệp FDI để phát triển.
Về thuế, theo ông Chinh, hiện nay đã có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp FDI về thuế xuất nhập khẩu cũng như miễn giảm thuế khi nhập trang thiết bị. Nhưng Bộ Công Thương lại có quy định, những trang thiết bị công nghệ nào nếu trong nước có sản xuất thì không được áp dụng miễn trừ thuế. Song thực tế, ví dụ như nhà kính để trồng hoa, rau sạch, cây cảnh… mặc dù trong nước có sản xuất nhưng không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp về chất lượng, an toàn.
Vì vậy, dù phải chịu thuế, doanh nghiệp vẫn nhập khẩu nhà kính từ châu Âu. “Đây là vướng mắc mà trong nghị định mới cần phải đề cập, tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp khi nhập khẩu. Có thể nghị định sẽ quy định theo hướng nếu trang thiết bị công nghệ hoặc vật liệu sản xuất trong nước không đáp ứng chất lượng, an toàn hoặc một số thuộc tính nào đó của vật liệu này thì doanh nghiệp vẫn được hưởng ưu đãi về thuế”, ông Chinh nói.
Riêng về quy trình khảo nghiệm đối với chất mới, giống mới, ông Chinh cho biết vấn đề này vượt ngoài thẩm quyền của một nghị định mà phải sửa Pháp lệnh về giống cây trồng.
Theo ông Chinh, có thể đề nghị Quốc hội sửa luật theo hướng, các con vật như bò sữa, bò thịt, dê, cừu… là những vật nuôi thông thường và các nước đều chấp nhận, không gây nguy hiểm cho con người và môi trường thì có thể chấp nhận kết quả khảo nghiệm ở những nước có nền khoa học công nghệ tiên tiến hơn mà không cần khảo nghiệm lại nữa và cũng tương tự như vậy đối với các loại giống cây trồng và đối tượng khác nếu như không quá khác lạ. Còn lại những loại vi sinh vật, virus, những loại có tính rủi ro cao thì vẫn phải áp dụng quy trình hiện có.