Ngay từ những ngày đầu năm nay, xuất khẩu rau quả đã có tín hiệu vui. Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, tháng 1/2017, trong khi hầu hết mặt hàng nông sản xuất khẩu chính của nước ta đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái thì rau quả tiếp tục giữ phong độ khi tăng hơn 14%, thu về 230 triệu USD. Dự báo xuất khẩu rau quả trong năm nay sẽ mang về cho Việt Nam hơn 3 tỉ USD.
Theo Zion Research, Công ty chuyên đánh giá, dự báo thị trường nông sản thế giới cho biết, thị trường rau quả chế biến toàn cầu đang có mức tăng trưởng khoảng 8%/năm và sẽ đạt 319,9 tỷ USD vào 2020. Các chuyên gia nhận định, tiềm năng xuất khẩu trái cây của Việt Nam còn rất lớn, nếu các doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến đạt tiêu chuẩn của các thị trường nhập khẩu khó tính, kiểm soát tốt chất lượng đầu vào kim ngạch xuất khẩu rau và trái cây của Việt Nam có thể lên tới 5 tỷ USD/năm trong những năm tới.
Như vậy, từ vị trí là mặt hàng khiêm tốn, rau quả đã có bước đi “thần tốc” để trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Đáng chú ý là tính đến thời điểm hiện nay, các sản phẩm rau quả của Việt Nam đã vươn xa tới gần 60 thị trường trên thế giới. Riêng trái vải thiều, chôm chôm, thanh long, xoài, nhãn… của Việt Nam đã đặt chân đến những thị trường lớn rất khó tính như Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Để xuất khẩu được vào những thị trường này, chất lượng rau quả nước ta phải đáp ứng tốt các điều kiện kiểm soát về dịch hại rất ngặt nghèo với nhiều tiêu chí an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc.
Các nhà máy của Westfood đều đạt tiêu chuẩn chất lượng
Việc trái cây xuất khẩu của Việt Nam đang ngày càng được chấp nhận tại nhiều thị trường trên thế giới đã mở ra nhiều cơ hội tiềm năng lớn cho Westfood. Ra đời từ năm 1992, chuyên sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm rau quả đóng hộp và cấp đông, CTCP CBTP Xuất khẩu miền Tây (West Food) đã đặt mục tiêu là trở thành Công ty sản xuất và xuất khẩu rau quả lớn nhất tại Việt Nam, đạt tiêu chuẩn Quốc tế, là hình mẫu xây dựng hình ảnh tin cậy của sản phẩm Nông nghiệp Việt Nam trên thị trường Quốc tế.
Với lợi thế nằm ở Đồng Bằng sông Cửu Long là nơi sản sinh ra nhiều loại trái cây miền nhiệt đới, đồng thời xây dựng được sự gắn kết chặt chẽ giữa nhà máy và các trang trại rau quả của các hộ nông dân nên nguồn nguyên liệu đầu vào của West Food được đảm bảo với chất lượng cao và nguồn cung ổn định.
Vùng nguyên liệu của Westfood
Với sự đầu tư từ công ty mẹ là Tập đoàn FIT, Westfood hiện đang sở hữu 4 dây chuyền IQF và 2 dây chuyền đóng lon thanh trùng theo công nghệ sản xuất tiêu chuẩn Châu Âu. Các dây chuyền này hiện đang chạy công suất tối đa nhưng vẫn chưa đáp ứng kịp các đơn đặt hàng của những khách hàng ở Châu Âu, Châu Mỹ, Nhật… Với mục tiêu đạt mức tăng trưởng doanh thu lên 20% trong năm 2017, tháng 4 vừa qua Westfood vừa đầu tư hàng triệu đô la Mỹ vào hệ thống dây chuyền tiền đông, cắt và cấp đông nhanh cá thể (IQF) hoàn toàn tự động mới nhằm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Trong tháng 11 tới đây, West Food sẽ được tiếp tục trang bị hệ thống cân và đóng gói nhỏ tự động thế hệ mới nhất của Nhật bản. Đây là bước chuẩn bị cho việc ký kết các hợp đồng cung cấp trực tiếp các sản phẩm bán lẻ cho các chuỗi siêu thị và cửa hàng tiện lợi tại Nhật bản và Hàn quốc trong năm 2018. Song song với việc đầu tư thêm hệ thống dây chuyền hiện đại, việc tham dự các hội chợ xúc tiến thương mại quốc tế tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Châu Âu và Mỹ đang giúp Westfood quảng bá hình ảnh, thương hiệu của doanh nghiệp tới khách hàng tại các thị trường mới, từ đó mở ra cơ hội tiềm năng đưa Westfood trở thành một trong những thương hiệu uy tín trên thị trường Quốc tế.